Thuở thiếu niên, Mahatma Gandhi, vị lãnh tụ vĩ đại của Ấn Độ là một cậu bé chơi bời lêu lổng và vô cùng phung phí thiền bạc. Mới mười mấy tuổi đầu nhưng Gandhi đã vướng phải nợ nần. Năm ấy ông được 15 tuổi những đã phải mang lấy một món nợ lớn do vay mượn những người xung quanh để tiêu xài, sau nhiều ngày suy tính, Gandhi có một quyết định vô cùng táo bạo: đó là ăn cắp chiếc vòng bằng vàng của cha ông, để giải quyết số nợ và phần còn lại thì ăn chơi.
Gandhi vô cùng lo lắng sợ cha mình sẽ phát hiện, thế nhưng cha ông lại hoàn toàn không hề nghi ngờ con trai mình là kẻ cắp. Sau nhiều ngày tháng che dấu, Gandhi không thể nào chịu được sự ray rứt trong tâm hồn, nhưng cũng không đủ can đảm trực tiếp nói ra sự thật với cha, ông quyết định viết những lời thú tội trên một tờ giấy, rồi run rẩy cầm đưa cho cha mình, sau đó ông lùi ra xa một chút đứng ở góc nhà im lặng và chờ đợi.
Gandhi chờ đợi một cơn thạnh nộ sẽ bùng lên, chờ đợi ánh mắt giận dữ của một người cha khi biết đứa con của mình là kẻ trộm cắp, lại là ăn trộm của chính cha nó! Nhưng cha của ông sau khi đọc xong những dòng chữ trên chờ giấy đã im lặng và nhắm mắt lại một lúc. Đột nhiên, ông ấy mở mắt ra và lấy tay xé nát miếng giấy, sau đó giang tay ôm lấy Gandhi, rồi khẽ nói: “Tốt lắm con! Tốt lắm!!!…”. Và hai cha con cùng nhau khóc.
Thú tội cần một sự can đảm lớn hơn cả việc phạm tội, bởi nó đòi hỏi một người phải hạ cái tôi mình xuống, thừa nhận sự sai trái của bản thân và chấp nhận mọi hình phạt như một giá trả cho sự vi phạm. Kinh Thánh chép: “Người nào giấu tội lỗi mình sẽ không được may mắn; Nhưng ai xưng nó ra và lìa bỏ nó sẽ được thương xót.” (Châm ngôn 28:13)
Phản ứng tự nhiên trong mỗi con người chúng ta là chối tội, phủ nhận tội, chúng ta thường đặt mình như một quan tòa để phán xét người khác, nhưng ít khi nào chúng ta muốn mình bị người khác làm điều tương tự.
Nhưng Kinh Thánh cho biết rằng “Tất cả chúng ta đều là tội nhân” (Rô-ma 3:23), nghĩa là bạn và tôi, cùng tất cả mọi người chúng ta đều mang trong mình nhiều tội lỗi khác nhau, nhưng tội lớn nhất của chúng ta đó là sự vô ơn đối với Người Cha Thiên Thượng là Đức Chúa Trời, Đấng ban sự sống cho chúng ta, tạo nên một thế giới tốt đẹp cho chúng ta hưởng lấy.
Khác với cha của Gandhi, Đức Chúa Trời là Đấng biết rõ tội lỗi trong đời sống của tôi và bạn, nhưng Ngài không lập tức hình phạt chúng ta mà kiên nhẫn để chờ đợi chúng ta ăn năn thú tội để sẵn lòng tha thứ. Kinh Thánh chép “Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm thần đau thương: Đức Chúa Trời ôi! lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu. (Thi Thiên 51:17)
Đức Chúa Trời thậm chí đã chuẩn bị sẵn một phương cách để giúp chúng ta được tha thứ trọn vẹn bằng cách ban chính Con Một của Ngài là Chúa Jesus xuống thế gian này để chịu chết và mang lấy án phạt tội lỗi thế chúng ta. Bởi theo luật công bình “Tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rô-ma 6:23), vì vậy luôn có một cái giá cho tội lỗi. Chúa Jesus-Con Đức Chúa Trời đã vì tội chúng ta mà chịu đóng đinh trên thập tự giá, nhưng sau 3 ngày Ngài đã sống lại để ban lời hứa về sự sống đời đời cho những ai bằng lòng ăn năn tội và tiếp nhận Ngài.
Việc của bạn phải làm bây giờ là lấy hết can đảm xưng nhận tội lỗi mình với Đức Chúa Trời, và tiếp nhận sự tha thứ mà Chúa Jesus đã hoàn tất trên thập tự giá cho bạn. Khi bạn làm điều đó Đức Chúa Trời sẵn lòng tha hết mọi tội của bạn, ban cho bạn sự sống đời đời và phục hòa lại mối liên hệ giữa bạn và Ngài, bạn cũng sẽ được Ngài sắm sẵn một chỗ phước hạnh trong Nước Thiên Đàng đời đời nữa. Bạn có đủ sự can đảm không?
Xin Chúa tha thứ mọi lỗi lầm. Mọi sai lầm . Mọi sai trật. Con xin tiếp nhận chúa làm chủ cuộc đời con. Biến đổi thánh hóa cuộc đời con. Xin cho con được có tên trong sách sự sống