TRẢ XONG NGHIỆP BÁO

Nghiệp là gì? Vài năm gần đây, có lẽ ít nhiều bạn đã nghe đến từ này trên báo chí hoặc mạng xã hội. Dần dần, chữ “nghiệp” trở thành câu cửa miệng quen thuộc của khá nhiều các bạn trẻ lẫn người trưởng thành.

Chữ “Nghiệp” hay Karma vốn có nguồn gốc từ Ấn Độ giáo, là một thuật ngữ phổ thông thường được dùng trong văn hóa xã hội Ấn Độ, Karma hay Nghiệp ám chỉ đến vấn đề thiện, ác trong vòng sinh diệt và tương tục của đời sống con người. Thông qua việc tạo nghiệp (thiện hay ác) mà con người tự xây dựng cho mình một định nghiệp – một đời sống khổ đau hay hạnh phúc. Phật Giáo vốn xuất phát từ Ấn Độ, nên cũng là lấy tín lý này làm kim chỉ nam cho niềm tin của mình, vì thế ta thấy có sự tương đồng trong giáo lý Phật Giáo và Ấn Độ Giáo.

Tuy nhiên, Nghiệp (Karma) vốn là một tư tưởng bị lên án mạnh mẽ trong xã hội Ấn Độ bởi những nhà hoạt động xã hội bởi nó khiến cho sự phân chia giai cấp xã hội trở nên nghiêm trọng hơn, đồng thời là công cụ cho tầng lớp Tăng Lữ và Quý tộc dễ cai trị dân chúng, bóc lột giai cấp thấp kém, nghèo khổ hơn.

Việc cho rằng con người sướng, khổ là do nghiệp (Karma) kiếp trước khiến con người thụ động với cuộc sống, mất đi ý chí cố gắng để thay đổi bản thân, số phận, chấp nhận địa vị xã hội của mình, và bỏ đi sự đấu tranh cho sự tiến bộ của xã hội. Giới tăng lữ dựa vào giáo lý Nghiệp (Karma) cộng thêm thuyết “luân hồi” để nâng tầm địa vị tôn giáo mình, khiến tín hữu lệ thuộc vào họ để “giải nghiệp”, cúng “Oan gia trái chủ”… từ đó trói buộc con người vào sự sợ hãi, mê tín không có lối thoát.

Chính vì thế, tư tưởng tôn giáo này rất được tầng lớp cai trị ưa chuộng, vì nó giúp cho họ thuyết phục dân chúng chấp nhận số phận và không phản kháng lại giai cấp thống trị.

Vậy Kinh Thánh của Cơ Đốc Giáo nói gì về “Nghiệp” không? Câu trả lời là có, nhưng theo một ý nghĩa hoàn toàn khác với quan điểm của Ấn Giáo.

Kinh Thánh chép “Tiền Công của Tội Lỗi là Sự Chết” (Rô-ma 6:23), chết là nghiệp, mà nguyên nhân là tội lỗi. Nhưng khác với tư tưởng luân hồi, Kinh Thánh khẳng định rằng “Thiên Chúa đã định cho loài người phải chết một lần rồi chịu phán xét” (Hê-bơ-rơ 9:27), nghĩa là con người chỉ được ban cho 1 cuộc đời và 1 cơ hội để sống. Những gì mà con người làm ngày hôm nay sẽ quyết định số phận đời đời của họ trong tương lai. Tư tưởng này đưa chúng ta đến một nhận thức rằng chúng ta có thể thay đổi số phận tương lai của chúng ta ngay ngay trong hiện tại bằng cách giải quyết tội lỗi.

Nhưng giải quyết bằng cách nào? Câu trả lời là không thể? Bởi vì đòi hỏi duy nhất để giải quyết tội lỗi chính là sự chết của người phạm tội. Tôn giáo của loài người biết rõ điều này, chính các giáo chủ cũng không thể giải quyết nghiệp tội của chính họ, thì làm sao cứu được ai, họ chỉ cố gắng trấn an tín đồ bằng cách khuyên tín hữu hãy cố gắng làm lành, lánh dữ, và tự cứu mình, nhưng về bản chất, đó giống như là “thuốc phiện”, chỉ khiến người ta quên đi thực tại, vui hưởng một chút cảm giác sung sướng, và rồi đi đến cái chết mà thôi.

Kinh Thánh ghi lại một giải pháp để cứu chúng ta, đó là có một người phải vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương, bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh. (Ê-sai 53:5) như vậy sẽ khiến cái “nghiệp” tội lỗi của chúng ta chất trên người này, và người đó sẽ mang lấy tội lỗi của chúng ta mà chịu chết. Và với cái chết của người đó, tội của chúng ta cũng sẽ được giải quyết. Nhưng ai có thể làm được việc này?

Và đó chính xác là kế hoạch mà Thiên Chúa thực hiện cho nhân loại. Kinh Thánh chép “Vì Thiên Chúa yêu thương nhân loại, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài là Jesus, hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16).  Chỉ Con của Thiên Chúa mới có đủ thẩm quyền để làm việc ấy.

Khi một người nhận biết họ là một tội nhân, và tin nhận Chúa Jesus, Kinh Thánh chép rằng “Thiên Chúa khiến tội lỗi người đó chất trên Chúa Jesus” (Ê-sai 53:6). Và khi Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá, Ngài đã chịu chết vì tội lỗi của chính mỗi chúng ta, từ đó chúng ta được tha tội. Nhưng điều quan trọng hơn đó là sau khi chịu chết và chôn đến ngày thứ 3 Chúa Jesus đã sống lại, điều đó chứng minh rằng, Ngài đã trả xong nghiệp báo cho nhân loại, và bất cứ ai tin nhận Ngài sẽ nhận được sự sống đời.

Chúa Jesus tuyên bố “Ta là sự sống lại và sự sống, kẻ nào tin Ta thì sẽ sống”.

Bạn có sẵn sàng tin Chúa ngay hôm nay và để Ngài trả hết món nợ tội lỗi của bạn không?

TÔI MUỐN TIN CHÚA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *