QUYỀN NĂNG PHÚC ÂM BIẾN ĐỔI BẢN LÀNG SIN SUỐI HỒ

Mục sư Hảng A Xà sinh ra và lớn lên tại bản Son Suối Hồ, người chứng kiến sự đổi thay diệu kỳ của Bản Sin Suối Hồ. Trước đây, Sin Suối Hồ là bản nghèo nhất, người dân trong Bản sống trong tệ nạn trồng và sử dụng thuốc phiện.
Hơn 20 năm trước, Sin Suối Hồ được biết đến là “bản ma túy” hơn 90% dân trong bản là người nghiện, nhưng từ khi Tin Lành được rao truyền đến nơi đây, người dân tiếp nhận và đời sống được quyền năng Chúa biến đổi, nay Sin Suối Hồ được biết đến là “bản Tin Lành”.

Quyền năng của Chúa Giê-xu đã thay đổi hoàn toàn đời sống của người dân Sin Suối Hồ! Không còn nghiện ngập, không còn đói nghèo. Sin Suối Hồ trở thành hình mẫu của một bản lành mạnh, no ấm.
Ngày nay, đây là điểm đến cho nhiều khách du lịch, nơi có nhiều cảnh đẹp, hoa đẹp, nhưng trên hết là những con người có đời sống tốt đẹp.
———

LÀNG DU LỊCH TIN LÀNH SIN SUỐI HỒ

Một câu chuyện thực tế, một phép lạ chỉ có thể đến từ quyền năng Thiên Chúa. Một sự biến đổi – hòa vào dòng chảy phấn hưng đã và đang diễn ra trên đất nước chúng ta. Từ một bản làng H’Mong xa xôi, hiểm trở, nay trở thành Làng Du lịch, Làng Hoa Lan, Làng Văn hóa, Bản Suối Thần kỳ hay giản dị: Làng Tin Lành Sin Suối Hồ.

Sau chuyến đi dài giữa núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, bác tài chỉ tay vào tấm bảng chỉ đường có hình một bản làng nằm trên chót núi cùng dòng chữ: “Khu Du lịch Sinh thái Sin Suối Hồ – 2km”.

Sin Suối Hồ, cái tên cho cảm giác ấm áp, vui tai, gợi lên hình ảnh một ngôi làng được bao bọc bởi suối và hồ trong lành, mát mẻ.
Vượt lên đỉnh núi có độ cao 1.400m với những dải mây trắng quấn quanh, với con đường uốn lượn, chênh vênh qua các triền đồi, dốc núi. Xe tiếp tục men sâu vào trong bản. Và thật bất ngờ, trước mắt chúng tôi là những vườn hoa lan rực rỡ, được đặt trên những chiếc cột xếp bằng gạch đá. Con đường bê-tông khúc khuỷu nhưng sạch sẽ, phẳng phiu, nên di chuyển khá dễ dàng.
Qua khỏi cổng chào với dòng chữ: “Bản Du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ”, cả đoàn xuống xe, chợt bắt gặp ngôi nhà nguyện khang trang bằng gỗ. Tiếp chúng tôi là Mục sư Hảng A Xà trẻ trung, rắn rỏi, nụ cười cởi mở trên gương mặt sáng rất đặc trưng ‘con cái Chúa’.

Dẫn chúng tôi vào phòng khách ngôi nhà nguyện đơn sơ nhưng đẹp đẽ, tinh tế. Mục sư Hảng A Xà kể chuyện cho chúng tôi nghe, rằng để có diện mạo như hôm nay, Sin Suối Hồ đã phải trải qua một sự chuyển mình đau đớn từ đáy vực, để giờ trở nên xinh đẹp, văn minh… diệu kỳ như hôm nay là bởi bàn tay của Chúa.

“Trước kia ở đây chỉ khoảng trên 100 hộ người H’Mong chuyên trồng thuốc phiện để buôn bán và tiêu thụ. Hậu quả là hơn 90% dân bản trở thành con nghiện. Nhiều năm liền, Sin Suối Hồ oằn mình vật vã với nghiện ngập, đói nghèo, bệnh tật và tội phạm, được xếp vào diện bản làng nghèo nhất, nhiều tệ nạn nhất tỉnh Lai Châu” – Mục sư Hảng A Xà xác nhận – và mặc dù nhiều biện pháp hỗ trợ thoát nghèo, thoát nghiện; nhưng người dân Sin Suối Hồ vẫn cứ mãi loay hoay trong tăm tối, tuyệt vọng.

Cho đến năm 1992, ông Hảng A Lùng, bố của Mục sư Hảng A Xà là người đầu tiên tin nhận Chúa qua… Đài phát thanh Nguồn Sống. Sau đó, ông chia sẻ Lời Chúa cho từng người trong bản. Họ tin Chúa vì nhiều người trong số họ nhờ cầu nguyện mà từ bỏ được thuốc phiện, rượu chè, được Chúa chữa lành, ban phước…

Các Điểm nhóm và sau đó là Hội Thánh được thành lập. Tấm lòng người H’Mong như đất vỡ cho mùa bội thu, người người, nhà nhà rủ nhau tin nhận Chúa. Họ chặt cây thuốc phiện trồng lan rừng, địa lan – trồng lấy ‘cây sự sống’ – xa lánh ‘nàng tiên nâu’, mời Chúa ngự vào nhà, vào bản làng mình. Tin Lành, tình yêu, nguồn hy vọng và niềm tin đã soi sáng, mở lối cho bản làng.
Chúa đã ban phước trên khí hậu, thổ nhưỡng, người trồng nên giống Địa Lan tại Sin Suối Hồ vừa to, đẹp “không cây nào giá dưới 2 triệu đồng” – một người dân vui vẻ cho biết. Thật vậy, từ vài năm nay, địa lan là “cây làm giàu” của bà con Sin Suối Hồ, mỗi chậu khoảng 10 cành, thương lái lên tận nơi mua với giá 200.000 đồng/cành, mà không chậu nào dưới 10 cành. Năm ngoái, anh Vàng A Chỉnh bán một chậu 50 cành được chẵn 10 triệu đồng. Đó là giá bán tại Sin Suối Hồ, chứ chịu khó đưa về Hà Nội giá còn cao hơn.
Thu nhập của dân làng khoảng 400 triệu đồng/người/năm. Ngoài trồng giống hoa Địa Lan, họ còn trồng thảo quả, táo mèo, chăn nuôi dê. Khi hoa trái thơm ngọt tràn ngập bản làng, thu hút du khách, họ bắt đầu biết tập trung vào phát triển ‘nền kinh tế không khói’ văn minh, bền vững: du lịch sinh thái, homestay. Người dân lũ lượt đón du khách về nhà, cùng ăn uống, sinh hoạt, vui chơi, trồng tỉa và thu hoạch hoa quả, trong phong cảnh hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc.

Đến nay mỗi năm Sin Suối Hồ thu hút hàng nghìn lượt du khách. Từ năm 2016, Sin Suối Hồ được bầu chọn là “Điểm Du lịch thu hút du khách nhất”.

Nhận thấy cộng đồng văn minh, phát triển và tiềm năng du lịch to lớn của Sin Suối Hồ, “chính quyền các tỉnh khác đã tìm đến học hỏi mô hình Sin Suối Hồ” – Mục sư Hảng A Xà chia sẻ.

Chia tay Sin Suối Hồ, lòng ngập tràn niềm vui lẫn tiếc nuối, bởi chúng tôi chưa được nhìn thấy chợ Hoa Lan thay cho chợ thuốc phiện xưa, chưa thấy thác Trái tim – một địa danh nữa của Sin Suối Hồ – chưa nghe hết những câu chuyện biến đổi của từng người, từng phép lạ mà Đức Chúa Trời đã thực thi cho nơi này, một sự thay da đổi thịt bởi quyền năng Thiên Chúa. Bạn hãy đến một lần, tự mình cảm nhận và dâng lời tạ ơn Cứu Chúa chúng ta!

——————–

(Minh Nghị – Tịnh Văn)

 

 

TÔI MUỐN TIN CHÚA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *