Ông Táo Có Thật Không?

Ông Táo Có Thật Không?

Hai ba tháng Chạp hàng năm, dân mình vẫn thường mua cá chép tiễn ông Táo lên trời chầu Ngọc Hoàng để báo cáo việc “nhân tình thế thái” chốn dương gian. Nhà nào cũng sắm mâm cỗ đầy để cúng kiếng, rồi lại không được phép thiếu những cân đai mũ mão cho ông bà Táo cùng đôi cá chép để nhà Táo lên thiên đình.

Xưa vẫn dùng cá chép sống, được cá chép vàng thì tốt, nay lại có cá chép giấy đặt luôn trong túi mũ áo rồi hóa mã cùng một lượt cho tiện… Nhưng ít người biết ông Táo tên thật là gì, thân thế ra sao và sự thờ ông Táo là thật hợp với lẽ chân Đạo hay không?

Giới trẻ thời đại ngày càng xa lạ với những truyền thống cúng lễ của người Việt cổ, thật rất hiếm người tường tận gốc tích. Mà thế thường, người đã biết tỏ tường sự việc thì hành xử lại khác hẳn với những “phong tục, lễ nghi” người ta hay làm. Đa phần người trong dân gian cứ làm theo truyền khẩu, con cái nghe cha mẹ, cô, dì, người trước truyền lại cho người sau mà làm theo không suy xét, đến nay dễ cũng đã ngàn năm.

Bách khoa tri thức toàn thư chép về tích “Táo quân” như sau: Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang.

Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin. Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.

Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo.

Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ. Linh hồn của ba vị được đưa lên Thượng Đế. Thượng Đế thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là: Định Phúc Táo Quân.

Ấy là tích truyền khẩu của người Việt, bao phần đúng sai cũng không tỏ, chỉ nghe cổ nhân kể lại. Cứ cho sự tích là chân truyền, thì người xưa cũng chỉ mong người đời biết kính đạo vợ chồng chung thủy, chẳng có ý đặt ba vị lên bậc thánh nhân cai quản bếp núc, nhà cửa, chợ búa gì đâu.

Bởi nếu thật có một Thượng Đế như truyện xưa truyền kể, thì ấy phải là Đấng Cai Quản chung muôn loài thọ tạo mà người ta phải thờ phượng, suy tôn mới đúng. Chứ Thượng Đế đâu phải thiếu thần năng mà phải phong thần con người giúp Ngài một tay quản trị chốn sông, biển, núi non để rồi người lại lạy người thay vì lạy Trời?

Người Việt tự cổ chí kim đã có lòng kiếm tìm cõi linh thiêng, thần thánh, tấm lòng ấy thật đáng quý, đáng trọng thay. Nhưng lòng thành bị đặt nơi sai trái, lẫn lầm thì sự quý trọng ấy lại hóa thành đáng thương, tội nghiệp. Người thờ phượng Thiên Chúa cũng không chống lại những tập tục tín ngưỡng của mọi người, nhưng xét ra sự người ta lạy thờ quả thực không hợp với Đạo Trời thì sau này chẳng hóa thành tai họa tai ương sao?

Ngẫm ra, việc thờ phượng Thiên Chúa là cội nguồn gốc tích của mọi sự mới thật chân Đạo. Nếu sống dưới Trời, ăn của Trời cho, uống nước Trời thưởng, thở khí của Trời thì thờ Trời đúng là chân lý, là lẽ phải. Đến đây chắc mười mươi chúng ta biết việc cúng thờ ông Phạm Lang, bà Thi Nhị với ông Trọng Cao là không hợp với Đạo Trời.

Tích Việt thì kể như thế. Nhưng sự tình tỏ hơn ở nước Sở từ thuở Xuân Thu bên xứ Tàu hàng ngàn năm trước thì chắc ít người tìm hiểu.

Nguyên việc thờ cúng thần tiên, chiêm tinh, phù phép, bói toán, đồng cốt, phong thủy, ngũ hành, âm dương v..v… thuở sau này của người ta đều phát xuất từ sự ảnh hưởng của Đạo Lão do Lão Tử khởi xướng và được các học trò, ban đầu là ông Trang Tử, mỗi ngày một thêm thắt. Có xem mới thấy. Có tìm mới hiểu.

Biết rõ ngọn ngành để xem những việc cúng thờ sau này là có nên chăng. Sách Chân Giả Luận viết về ông Lão Tử vốn được người Tàu xưa tôn là Thái Thượng Lão Quân như sau: Sách Cương Giám chép Lão Quân sanh ra cuối nhà Châu, thuở Xuân thu (thế kỷ thứ V trước Công Nguyên), làm sử quan, họ Lý, tên Nhĩ; nhơn sau tuổi đã già, nên gọi là Lão Tử.

Lúc Khổng Tử đi chu du các nước, có sang nhà Châu, hỏi lễ nơi Lão Tử. Về sau có kẻ hiếu sự làm truyện Lão Quân, nói dối rằng Lão Quân sanh ra thuở nhà Ân (trước nhà Châu 400 năm), ở trong thai đến 82 năm, rồi phá hông bên hữu của mẹ mà ra, râu tóc đều bạc, vì cớ đó gọi là Lão Tử. Đến đời Cao Tôn nhà Đường, lấy cớ mình là họ Lý, dòng dõi của Lão Tử, bèn phong Lão Tử làm Huyền Nguyên Hoàng Đế, đến vua Chân Tôn nhà Tống, lại gia hiệu là Thái Thượng Lão Quân.

Và cũng có nơi khác xưng Lão Tử là Nguyên Thủy Thượng Đế, Nguyên Thủy Thiên Tôn nữa. Lão tử vốn là người ta, sanh ra trong trời đất cũng như mọi người khác; thế mà người đời lại xưng là Nguyên Thủy Thượng Đế, thật là trái lẽ.

Lão Tử trong tranh cổ, thường thể hiện ông là một người già hói đầu với một chòm râu trắng rất dài; ông thường cưỡi trên lưng một con trâu. Vậy hóa ra ông Lão Tử cũng là người, không phải là Trời để phụng thờ, càng không thể có năng lực thay đổi càn khôn mà biến đổi âm dương hay phong thánh tặng thần cho người khác được.

Thật ra, tục cúng thờ “Ông Công, ông Táo” hay “Vua bếp” của người Việt du nhập từ Trung Quốc trải hàng ngàn năm Bắc thuộc nay dường như trở thành tục địa phương. Người theo triết lý Lão Tử ban đầu không thờ cúng dị đoan, chỉ hướng cuộc sống vô vi, an nhàn, hòa hợp cùng thiên nhiên vốn tự nó đã rất hợp “Đạo”.

Nhưng người sau này biến Lão Giáo thành ra nhiều “biến tướng” cúng thờ thần thánh, pha trộn phức tạp cùng Phật Giáo, Khổng Giáo và tín ngưỡng địa phương mà sinh ra đủ loại: phong thủy, chiêm tinh, bói toán, xem quẻ, xem tướng, chỉ tay, đốt vàng mã, hương nhang… Theo đó, một số người sai lầm cho rằng vạn vật trong giới trần ai đều có các thần linh cai quản. Sông có Hà Bá, núi có Thổ Sơn, và không lâu thì cho rằng… bếp có “thần lửa”, dao có thần dao, đèn có thần đèn… Tích Ông Công ông táo từ đó sau này thêm thắt thì thành như ngày nay. Người ta nghe Cổ nhân Trung Hoa là Dũ Dương Tạp Trở cho rằng “thần lửa trông như một cô gái đẹp, tên là Trương Đan, tên chữ là Tử Quách, những ngày không trăng thường lên trời tâu về việc người nào có lỗi”…

Nên sau này người đời lầm lạc cho rằng có “Táo quân lão mẫu” hay “Táo quân Thái thái”‘nữ thần’ cai quản bếp nhà mình, xét nét mọi chuyện đúng sai nhỏ nhặt để khai bẩm mỗi khi chầu Trời. Biết rõ sự tình như thế thì thấy tin vào tích “Táo quân” thật quá thơ ngây như em bé vẫn tin mọi sự trong chuyện cổ tích bà, mẹ à ơi.

Và càng thấy rằng cúng bái “Táo quân” với đủ lễ nghi: cá chép, mã vàng, đai mũ này nọ thật là thiếu hiểu biết mà đâm trái với Đạo Trời. Vừa mang tội vào thân mà vừa mất tiền lễ bái. Chung quy Đạo Trời vốn chỉ có một Đấng Tối Thượng, Tối Cao, Toàn Năng, Toàn Đại là Ông Trời như người Việt mình thường kêu, là Thượng Đế sinh ra vạn vật muôn loài nên đáng để thờ tôn với hết lòng, hết sức, hết trí hết linh hồn mà thôi.

Thật muốn hết lòng.

Nguồn: hoithanh.com

TÔI MUỐN TIN CHÚA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *