Người Việt Nam Và Đức Tin – Phần II: Nho Giáo

Nho giáo được xem là do Đức Khổng tử sáng lập. Ngài sinh tại nước Lỗ, Trung quốc vào đời nhà Chu, thọ 73 tuổi. Tuy nổi tiếng khắp nơi, nhưng đến năm 51 tuổi mới được vua nước Lỗ mời làm quan (Tư Không, rồi được cất lên coi việc nhiếp chính). Ngài chỉ làm quan được 4 năm rồi từ quan, đi chu du liệt quốc trong 13 năm.

12

Ngài san định các sách gồm có:

  • Kinh Dịch, luận về lẽ biến hóa của trời đất, muôn vật.
  • Kinh Thi ghi chép các bài ca dao từ thời thượng cổ đến đời Bình Vương nhà Chu.
  • Kinh Thư ghi chép những lời vua tôi dạy bảo khuyên răn nhau từ đời Nghiêu Thuấn đến đời Đông Chu.
  • Kinh Lễ ghi chép những lễ nghi để giữ trật tự phân minh và tiết chế tình dục.
  • Kinh Xuân Thu ghi chép lịch sử nước Lỗ.

Ngoài ra, Tăng Tử chép lời dạy Khổng tử, làm ra sách Đại học.

Cháu nội Khổng tử là Tử Tư (học trò Tăng Tử) soạn ra sách Trung Dung.

Sách Luận Ngữ do các học trò Khổng tử chép lời dạy và lời đối thoại của thầy.

Mạnh Tử, học trò Tử Tư soạn sách Mạnh Tử, làm sáng tỏ các lý thuyết về tính thiện, dân vi quý, và khái niệm về người quân tử.

Bốn sách Đại học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử gọi chung là Tứ Thư. Ngũ Kinh và Tứ Thư gọi chung là Cửu Kinh, căn bản của Nho giáo.

Phần lớn học thuyết Nho giáo nói về chính trị và luân lý.

1. Về Chính trị: Thuyết “Chính danh” được xem là chủ yếu.

Khi Tử Lộ hỏi: “Nếu vua nước Vệ mời thầy làm chính trị thì nên làm gì trước?”

Khổng tử: “Phải sửa cái danh cho chính, nếu danh không chính thì nói không xuôi, nói không xuôi thì việc không thành.” (Danh bất chính tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tắc sự bất thành – Luận Ngữ).

Ngài còn nói: “Chính trị là làm cho ngay thẳng. Nếu ngươi lấy ngay thẳng sai khiến, thì ai dám không ngay thẳng.” (Chính giả chính dã, tử suất dĩ chính, thực cảm bất chính? – Luận Ngữ.)

Thế nào là sửa cái danh cho chính?

Khổng Tử giải thích cho Tề Hoàn Công: “Vua phải đúng đạo vua, tôi phải đúng đạo tôi, cha đúng đạo cha, con đúng đạo con.” (Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử – Luận Ngữ).

Vậy, theo Khổng Tử, giữ thứ bậc cho phân minh, giữ danh phận cho ngay thẳng là giữ được cái tinh hoa, cốt cách của chính trị.

2. Về Luân lý:

Giáo dục hướng về tám điều sau: Hiếu (thờ cha mẹ), Đễ (anh chị em thuận hòa), Trung (thờ vua), Thứ (đối xử với người ngoài cho hợp lẽ), Tu (tu thân, sửa cái nết cho tốt), Tề (cai quản gia đình cho êm thắm), Trị (đạo trị an đất nước), Bình (đạo khiến thiên hạ được thái bình).

Nho giáo thịnh hành ở Trung Quốc, rồi truyền sang Việt Nam, gây ảnh hưởng rất lớn. Đúng ra, Nho giáo chỉ là những lý thuyết nhân sinh, những giáo huấn luân lý, dạy con người ăn ngay ở thẳng sống trên đời.

Nho giáo chưa phải là 1 tôn giáo đích thực để giải quyết những vấn đề linh thiêng như: Sau khi chết, số phận con người ra sao? Liệu có phương cách giải thoát hay cứu rỗi không?

Ngay trong việc nhập thế giúp đời của Khổng tử, vẫn không có tính cách thực tiễn, trực tiếp.

 Còn Đức Chúa Jê-sus,

Khi thấy con người đứng trước cảnh chết đời đời, không phương tự cứu, Ngài tình nguyệnNHẬP THỂ làm Người, đứng vào chỗ con người, chịu tội của con người, chịu hình phạt thay cho con người. Và hình phạt này là chết trên cây thập tự để cứu con người.

Khi thấy con người khát cả thể xác lẫn tâm linh, Ngài hứa cho họ uống nước hằng sống, để không những chính họ được đã khát, mà họ còn đem sự tươi mát đến cho bao nhiêu người khác: “Ngày sau cùng trong kỳ lễ, là ngày long trọng nhất, Đức Chúa Jê-sus đứng lên, lớn tiếng kêu gọi: ‘Nếu người nào khát, hãy đến cùng Ta mà uống. Người nào tin Ta, từ trong lòng người ấy sẽ tuôn trào những dòng sông hằng sống, đúng như Kinh Thánh đã chép.’” Giăng 7:37,38

Khi thấy người mù, Ngài trực tiếp đưa tay mở mắt cho thấy được. Khi thấy người què, Ngài trực tiếp chữa lành, khiến đi được. Khi thấy người chết, thấy người thân của người chết buồn bã khóc lóc, Ngài xót xa đau lòng. Đức Chúa Jê-sus khóc. Không những khóc, Ngài dùng uy quyền cứu người chết sống lại. Đó là cách Chúa an ủi con người khổ đau. Chúa không đứng đó biện luận về cái lẽ sống chết, nhưng Ngài can thiệp trực tiếp vào sự sống chết, bắt sự chết phải nhường quyền cho sự sống.

Vậy, Đấng cứu đời phải là một Đấng có uy quyền tuyệt đối mới cứu được. Nhất là, đứng trước sự chết đời đời, phải có một Đấng sống mới cho con người sự sống đời đời được.

Chỉ có Đức Chúa Jê-sus là Đấng sống.

Mọi người đều chết. Người chết làm sao cứu người khác cho sống được? Cứu lấy mình còn không được, làm sao cứu người khác?

Mộ các thánh nhân, giáo chủ vẫn còn đó. Họ vẫn chết, vì họ chỉ là người.

Chỉ có ngôi mộ của Đức Chúa Jê-sus là trống không. Vì Ngài là Trời, Ngài sống. Ngài đã sống lại, và thế giới hằng năm kỷ niệm sự sống lại của Ngài vào ngày Lễ Phục Sinh.

Tôi giới thiệu với các bạn một Chúa sống, một Chúa có khả năng cứu bạn, cả đời này lẫn đời sau, và cho bạn cuộc sống vĩnh cửu.

Khả năng Đức Chúa Jê-sus bao trùm mọi lĩnh vực, mọi thời đại, vì Ngài là Đấng Tạo Hóa.

Chỉ giữa con người với nhau mới phải luận đến “Định phận” vì e rằng không “Chính danh.”Giữa người với người mới lo đến Hiếu, Đễ, Trung, Thứ; Tu, Tề, Trị, Bình.

Đấng Tối Cao vượt trên hết mọi chuyện đó. Đấng Tối Cao chính là Đức Chúa Jê-sus. Ngài là Trời.

Hãy tin Đức Chúa Jê-sus đã đến trần gian vì Ngài yêu bạn.

Hãy tin Đức Chúa Jê-sus đã chết thay cho bạn, vì tội của bạn.

Hãy tin Đức Chúa Jê-sus đã sống lại, vì Ngài là Đức Chúa Trời.

Đây là sự cứu rỗi đích thực.

TÔI MUỐN TIN CHÚA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *