Nếu Không Có Thượng Đế P1

Ngắm núi đồi hùng vĩ, biển cả mênh mông, ngước nhìn bầu trời bao la, bí ẩn, tôi thấy mình thật bé nhỏ, giới hạn trong một xó xỉnh của vũ trụ lớn lao vô tận. Nói chi đến vũ trụ bao la, chỉ cần nhìn dòng người qua lại trên phố phường, tôi cũng đã thấy mình không khác gì con cá cơm trong đại dương. Rồi nhìn chính mình, tôi cũng không hiểu nổi, ngay cả khối óc trong tôi giúp tôi suy nghĩ, phát biểu những điều này. Tại sao tôi có mặt trên cõi đời này? Tại sao tôi có mặt nơi này mà không phải nơi khác trong vũ trụ? Tại sao quãng đời ngắn ngủi của tôi lại diễn ra lúc này mà không phải lúc khác trong dòng thời gian vĩnh cửu? Nhìn mọi phía, tôi thấy thật vô tận và mình chỉ là một hạt bụi, một thoáng qua không bao giờ trở lại. Tôi biết chắc chắn trước sau gì tôi cũng phải chết, nhưng điều tôi ít biết nhất lại là cái chết mà tôi vô phương né tránh.

Vì không biết mình từ đâu tới, nên tôi cũng không biết rồi sẽ đi về đâu. Tôi chỉ đoán rằng khi lìa đời tôi sẽ mãi mãi đi vào cõi hư vô, hoặc vào tay một Đấng Thượng Đế nào đó. Đó là tình trạng của tôi, đầy dẫy yếu đuối và bấp bênh.

Mà thôi nghĩ gì cho mệt, tôi cứ sống từng ngày một, không cần biết gì về số phận của mình. Có thể tôi sẽ tìm ra giải đáp cho những điều mình nghi ngờ, nhưng việc gì phải bận tâm khám phá những điều ấy!

Bạn nghĩ gì khi đọc những lời trên? Không thể chấp nhận một thái độ sống dửng dưng như vậy, tôi muốn tìm ra câu giải đáp cho tình trạng khốn cùng của mình. Thế nhưng tôi nhận ra rằng dù không phát biểu như trên nhưng tôi lại lẩn tránh, trốn chạy tình trạng thất bại của mình như bao người: tiêu phí biết bao thì giờ, công sức, suy tính tìm tòi những giá trị tầm thường, những thú tiêu khiển chóng qua… Nói chung tôi chỉ xoay quanh chính mình, với tiền của, danh lợi, tình dục, nghệ thuật, âm nhạc, thể thao, du lịch… Cuối cùng chẳng thấy đâu là hạnh phúc, ý nghĩa đích thực của cuộc đời, chỉ thấy một thế giới kiêu ngạo, tham lam, ích kỷ, lừa dối, lo âu, buồn chán, tội ác, bệnh tật, chết chóc và trống rỗng!

Có thể bạn cho là vơ đũa cả nắm khi ghép chung những tay anh chị, những kẻ tư kỷ chỉ biết hưởng lạc với những người đã hy sinh cho tha nhân, cho xã hội, những nhà tu hành, những người đạo đức luôn tìm kiếm điều thiện… Vâng, tôi có nghĩ đến điều đó và tự hỏi, phải chăng vì đã tìm thấy hạnh phúc và ý nghĩa của cuộc đời nên họ đã sống như vậy, hay họ chỉ mong đi tìm hạnh phúc và ý nghĩa bằng cách sống ấy? Nếu họ đã tìm thấy thì tôi ao ước biết được bí quyết để có một cuộc đời hạnh phúc và ý nghĩa, nhưng nếu họ đang đi tìm thì họ cũng chỉ đang đi trên con đường dẫn đến đau khổ mà thôi. Vì khi càng cố sống cho phù hợp với những tiêu chuẩn khách quan của điều thiện bao nhiêu, con người càng ý thức một cách đau khổ rằng mình không có khả năng làm được điều mình muốn bấy nhiêu. Thế nên, cuối cùng của cuộc đời chân thành theo đuổi nếp sống đạo đức sẽ là mặc cảm tội lỗi và tuyệt vọng.

Pascal đã nói rằng muốn tìm kiếm giải pháp cho những bế tắc, cho tình trạng khốn cùng của con người thì con người phải nhận biết Thượng Đế. Bạn có đồng ý với ông ta không? Bạn có thấy vấn nạn của đời sống mình có liên hệ với sự nhận biết Thượng Đế không?

Tôi hoàn toàn đồng ý với Pascal vì:

NẾU KHÔNG CÓ THƯỢNG ĐẾ thì…

Đáp lại câu hỏi “Tôi là ai? Tôi có mặt trong cõi đời này để làm gì? Rồi tôi sẽ đi về đâu?” những người vô thần sẽ trả lời như sau: “Con người là một sản phẩm tình cờ của thiên nhiên, một kết quả từ vật chất, cộng thời gian, cộng ngẫu nhiên”. Vì là ngẫu nhiên tình cờ nên sự hiện diện của con người không có lý do, không có mục đích. Tất cả những gì con người đối diện chỉ là sự chết.
Con người giống như những sinh vật phải chết. Không có hy vọng gì vào cõi trường sinh, cuộc sống chỉ hướng đến mồ mả. Đời người chẳng khác một tia sáng chợt loé lên trong bóng tối vô cùng tận, rồi tắt lịm mãi mãi. So với thời gian vô tận, thì đời người chỉ là một thoáng qua không đáng kể, sống vài năm hay vài chục năm thật ra không khác gì nhau. Bây giờ tôi biết mình đang tồn tại trong cõi đời này, rồi một ngày kia (ngày nào tôi không biết) tôi sẽ chết, không còn hiện hữu nữa.


Nếu không có Thượng Đế thì không có sự bất diệt. Nếu chết là hết, con người không còn hiện hữu khi qua đời, thì ý nghĩa cuối cùng của đời người là gì? Việc người ấy có mặt trên đất này vài giờ hay vài chục năm có gì quan trọng, có giá trị gì không? Có thể cho rằng cuộc sống người ấy là quan trọng vì đã gây ảnh hưởng đến người khác, đến tiến trình của lịch sử nữa. Thật ra, nếu không có Thượng Đế thì ảnh hưởng ấy có nghĩa gì? Khi mọi sự kiện chỉ là vật chất tình cờ xảy ra thì việc tác động trên biến cố, trên sự kiện ngẫu nhiên ấy có ý nghĩa gì? Phải chăng nhân loại cũng chỉ như một đám ruồi muỗi hay một bầy gia súc, vì tận cùng đều như nhau? Quá trình ngẫu nhiên đã sản sinh thì cũng ngẫu nhiên biến mất.

Nếu thật vậy thì những đóng góp của các nhà khoa học để gia thêm tri thức cho con người, những công trình nghiên cứu của các bác sĩ để làm giảm bớt bệnh tật, đau đớn; những nỗ lực của các nhà ngoại giao để tìm kiếm hoà bình cho thế giới; những hy sinh của biết bao người để làm thăng tiến mức sống con người; những mồ hôi nước mắt của các nhà giáo dục… tất cả đều luống công. Rốt cục họ cũng chẳng tạo được điều gì khác biệt. Vì cuộc đời con người cuối cùng là vô nghĩa nên mọi hoạt động trong cuộc đời cũng vô nghĩa. Thời gian dùi mài kinh sách, làm việc, nghiên cứu, tình bằng hữu… phân tích cho cặn kẽ, mọi thứ đều vô nghĩa. Và vì tận cùng của con người không có gì cả nên con người không là gì cả.

Giả định rằng con người không chết, con người có khả năng tồn tại mãi mãi thì còn kinh khủng hơn nữa. Vì nếu không có Thượng Đế, nếu con người chỉ là sản phẩm của vật chất, của ngẫu nhiên, nếu cuộc sống không có mục đích, không có ý nghĩa thì tồn tại mãi để làm gì? Có một câu chuyện khoa học giả tưởng kể rằng một nhà du hành vũ trụ bị bỏ rơi trên một thiên thạch khô khan cằn cổi, lạc lõng ngoài không gian. Anh ta đã đem theo hai ống thuốc. Một ống thuốc độc và một ống thuốc trường sinh. Khi nhận thức được tình trạng bi đát của mình anh ta quyết định chọn liều thuốc độc, nhưng khủng khiếp thay anh ta đã uống nhằm liều thuốc trường sinh! Nghĩa là anh ta sẽ phải kéo lê cuộc sống vô nghĩa ấy đến mãi mãi vô tận.

Xét về tính chất một sản phẩm vô tri của vật chất, cộng thời gian, cộng ngẫu nhiên thì con người có hơn gì loài giun dế vì cũng đều là kết quả của mối tương tác vô tri giữa ngẫu nhiên và nhu cầu. Nói thế thật khó nghe, nhưng nếu không có Thượng Đế thì đó là sự thật. Nếu không có Thượng Đế thì bạn và tôi chỉ là một kết hợp tình cờ của thiên nhiên, đột nhiên xuất hiện trong một vũ trụ vô mục đích để sống một cuộc đời vô mục đích.

Còn một vấn đề nữa. Nếu không có Thượng Đế không có sự bất diệt, chết là hết; nếu cuộc đời chấm dứt ở nấm mồ, cuộc sống không có mục đích nào thì có gì khác biệt khi người ấy sống như một kẻ gian ác hay như một vị thánh. Nhà văn Dostoyevsky đã viết: “Nếu không có sự bất diệt thì chúng ta đều có phép làm mọi sự”. Và rất có lý khi ca tụng tính ích kỷ, hãy sống cho chính mình, vì cuộc đời quá ngắn ngủi nên đừng liều lĩnh thực hiện bất cứ điều gì không phải là tư lợi; hy sinh cho người khác là dại dột.

Nếu không có Thượng Đế thì chẳng có tiêu chuẩn tuyệt đối nào để thẩm định đúng sai, phải quấy. Ai có thể nói giá trị nào đúng, giá trị nào sai? Quan niệm đạo đức mất tất cả ý nghĩa trong một vũ trụ không có Thượng Đế. Có nghĩa là không thể lên án chiến tranh, áp bức, tội ác, ma tuý, đĩ điếm và kể đó là điều ác được. Cũng không ai có thể ca ngợi tình huynh đệ, bình đẳng và tình yêu để coi đó là điều thiện. Vũ trụ không có Thượng Đế thì thiện ác không tồn tại, mà chỉ như Jean Paul Sarte nói: “Tất cả những gì chúng ta đương đầu chỉ là những thực tế trơ trọi, vô giá trị”. Nếu không có Thượng Đế thì cuộc sống vô nghĩa, vô mục đích, vô giá trị!

Bạn có hiểu tầm mức quan trọng của sự lựa chọn bày ra trước mặt chúng ta hay không? Vì nếu Thượng Đế hiện hữu thì còn có hy vọng cho con người, cho bạn, cho tôi. Nhưng nếu không có Thượng Đế thì chúng ta tuyệt vọng. Bạn có hiểu tại sao vấn đề Thượng Đế hiện hữu lại quan trọng đối với con người như thế không? Một nhà văn đã viết: “Nếu Thượng Đế đã chết thì con người cũng chết”.

TÔI MUỐN TIN CHÚA