Nhà văn Trung Quốc danh tiếng Lâm Ngữ Đường chào đời tại thị trấn Ban Tử, Phúc Kiến, đông nam Trung Quốc. Cha ông là Mục sư Hội Thánh Trưởng Lão, nên ông được lớn lên trong niềm tin Cơ đốc. Thế nhưng đến tuổi trưởng thành ông đã từ bỏ Chúa để đến với Khổng giáo, Phật giáo. Tuy nhiên hơn 30 năm sau ông quay về, ông nói: “Tôi thấy Kinh Thánh không chỉ là quyển sách ghi lại những dữ kiện lịch sử, nhưng là sự mặc khải chính xác qua Chúa Jesus; chính sự mặc khải đó đã khiến tôi thực sự nhận biết Ngài”.
“Sống đời đời nghĩa là gì?”
Nhưng rồi một Chúa Nhật nọ khi đang ở New York, nhà tôi lại rủ tôi đi nhà thờ, cô ấy thuyết phục: “Anh có thể không đồng ý với nội dung bài giảng, nhưng thế nào cũng phải cảm phục văn chương và tài hùng biện của vị Mục sư này!”. Lúc đầu tôi ngần ngừ, nhưng cuối cùng quyết định đi. Đó là nhà thờ Hội Trưởng Lão ở đường Madison, vị Mục sư là Tiến sĩ David Read. Văn chương của Mục sư Read thật hay, cách ông trình bày bài giảng cũng thật khéo, nhưng đó không phải lý do khiến tôi thích bài thuyết giảng hôm ấy.
Sáng đó ông nói về sự sống vĩnh cửu, và tôi chăm chú theo dõi từng lời. Đối với tôi, Thiên đàng không có gì hấp dẫn nếu đó chỉ là nơi ta sẽ sống đời đời để ca tụng Chúa, là nơi mọi sự an lành, không còn đói khát, than khóc… cứ thế hết ngày này sang ngày khác. Hình ảnh cổng Thiên đàng đầy ngọc quý đối với tôi chỉ là nơi các ông chủ tiệm cầm đồ mơ ước được đặt chân đến. Theo tôi, chỉ những người chưa được đặt chân đến Tiffanys (một tiệm bán nữ trang đắt tiền ở New York) trên đời này mới mơ ước được vào một nơi sang trọng như thế ở đời sau!
Vị Mục sư hỏi: “Sống đời đời nghĩa là gì?”. Và ông tự trả lời: “Sống đời đời không chỉ có nghĩa là sống mãi, mà là sống cao hơn đời sống thân xác: ăn, ngủ, sinh sản; ý nghĩa hơn đời sống thế tục: đi làm, trả nợ, nuôi con…”. Và ông tiếp: “Có một sự sống cao quý hơn, trong đó con người hướng đến tâm linh, đưa họ đến chỗ vị tha, sẵn sàng hy sinh cho người khác. Cuộc sống cao quý ấy liên quan đến giá trị tâm linh, ý thức về sự huyền nhiệm của những giá trị đạo đức trong tâm hồn, và Thiên đàng chỉ là một phần của đời sống ấy. Đây là sự sống kéo dài mãi mãi trên bình diện đó, đời đời nghĩa là đời đời thỏa mãn!”.
Tôi tiếp tục trở lại nhà thờ đó mỗi tuần để nghiên cứu, học hỏi những điều đẹp đẽ và đơn thuần nhưng tuyệt vời, cao siêu trong lời dạy của Chúa Jesus. Cũng như sứ đồ Paul ngày xưa, những chiếc vảy cá bắt đầu rớt khỏi mắt tôi. Tôi khám phá nhiều điều mới lạ trong Kinh Thánh như thể tôi chưa từng đọc Kinh Thánh bao giờ. Tôi khám phá rằng xưa nay chưa ai dám nói những lời như Chúa Jesus đã nói. Ngài nói Thượng Đế tức là Đức Chúa Cha, là Đấng biết rõ chính Ngài và hòa làm một với Ngài trong tình yêu và sự hiểu biết. Không một bậc thầy nào trên đời này hiểu biết và có mối quan hệ đặc biệt như thế với Thượng Đế. Chính vì vậy, Chúa Jesus đã tuyên bố mạnh mẽ: “Ai thấy ta là đã thấy Cha!” (John/Giăng 14:9).
Một điều khác làm tôi ngạc nhiên vô cùng, đó là Thượng Đế mà Chúa Jesus mặc khải khác hẳn với Thượng Đế trong ý niệm sai lầm của con người. Lời cầu nguyện của Chúa Jesus trên thập tự cho thấy tình yêu mới: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết mình làm điều gì!” (Luke/Lu-ca 23:34). Lời đó trong cả lịch sử loài người chưa ai dám nói, nó bày tỏ Thượng Đế là Đấng tha thứ, không phải trên lý thuyết nhưng qua sự hy sinh cụ thể, rõ ràng của Chúa Cứu Thế Jesus.
Không một bậc thánh hiền nào có thể tuyên bố một câu đầy ý nghĩa như vầy: “Nếu các ngươi làm việc này cho một người hèn mọn nhất của anh em ta, là đã làm cho chính mình ta” (Matthew/Ma-thi-ơ 25:40). “Ta” chính là hình ảnh của Thượng Đế ngồi ghế chánh án trong phiên tòa chung thẩm, nhưng lại đặc biệt lưu tâm đến những người nghèo, góa phụ, trẻ mồ côi… Tôi thầm nghĩ Chúa Jesus nói câu này với tư cách của một bậc Thầy, một người có toàn quyền trên cõi sống và cõi chết.
“Kính Chúa, yêu người”
Bài học tình yêu, nhân từ, thương xót đã được cụ thể hóa trong chính cuộc đời Ngài. Vì thế bao nhiêu người đến với Ngài không chỉ vì kính phục, nhưng vì muốn tôn thờ Chúa. Chính vì thế mà ánh sáng làm Paul mù lòa trên đường đến thành Damacus/Đa-mách tiếp tục soi đường, dẫn lối cho con người bao nhiêu thế kỷ.
Dĩ nhiên tôi biết khi nói Thượng Đế là tình thương và tình thương đó biến thế giới trở nên tốt đẹp thì những người theo chủ nghĩa duy vật sẽ chế nhạo, vì họ cho rằng thế giới này chẳng qua chỉ là một mớ hạt nhân nguyên tử và những định luật vật lý. Phúc Âm và tình thương của Thượng Đế cũng bị chủ nghĩa Mác-xít coi thường lẫn sợ hãi, vì họ luôn chủ trương hận thù và bạo động. Thật ra tôi nghĩ không một lý thuyết nào trên đời này, kể cả thuyết nhân bản có thể giúp con người chừa bỏ tính thù ghét, bạo động, thủ đoạn và gian dối, ngoại trừ những lời dạy mạnh mẽ của Chúa Jesus.
Cũng vì thế, nếu ai đó muốn thành lập một xã hội vật chất vô thần, điều đầu tiên họ phải làm là tiêu diệt cho được lòng kính sợ Chúa nơi con người! Do đó, người vô thần không thể nào là môn đồ của Chúa được. Cho nên tranh chấp giữa xã hội vô thần với xã hội đặt Thượng Đế làm chủ là điều chắc chắn và dĩ nhiên. Tôi không còn đặt câu hỏi: “Tôn giáo nào có thể thỏa mãn tâm hồn con người thời đại này?”. Trở về với Thánh Kinh, tôi thấy đây không chỉ là quyển sách ghi lại những dữ kiện lịch sử, nhưng là sự mặc khải chính xác qua Chúa Jesus; chính sự mặc khải đó đã đem Thượng Đế đến gần, để tôi có thể nhận biết Ngài.
Không còn mồ côi…
Tôi đi nhà thờ trở lại và sung sướng được ngồi ở hàng ghế quen thuộc mỗi sáng Chúa Nhật. Tôi tin rằng chúng ta đi nhà thờ không phải vì có tội; cũng không phải vì đạo đức mẫu mực, mà vì ý thức được gia sản thiêng liêng của mình, nhận thức rõ giá trị cao quý của con người, biết rõ những thất bại và tính tự cao tự mãn cố hữu của con người. Nếu không nhờ vào một quyền lực mạnh mẽ từ bên ngoài, chúng ta có thể ngã trở lại vào cái hố tự cao tự mãn ấy rất dễ dàng.
Người nào muốn thấy được vẻ đẹp tuyệt vời, muốn kinh nghiệm được sức mạnh tinh thần trong lời dạy của Chúa, người ấy phải loại bỏ những sáo ngữ tôn giáo, điều thường làm lời dạy của Chúa lu mờ. Chính Chúa Jesus đã đơn giản hóa, cô đọng tất cả tinh hoa Cơ đốc giáo trong 2 điều: “Kính Chúa, yêu người”. Hai điều luật này đầy đủ hơn tất cả niềm tin khác, bao gồm cả luật pháp và lời tiên tri, tức cả bộ Thánh Kinh.
Cuộc đời của Chúa Jesus và Phúc Âm Ngài đã thỏa mãn tâm hồn tôi, sự thỏa mãn ấy cứ tươi mới mỗi ngày. Cả thế giới này sẽ không tìm được sự thỏa mãn hoàn toàn cho tâm hồn nếu thiếu Chúa Jesus và Phúc Âm Ngài. Nhìn lại, tôi thấy suốt 30 năm qua tôi sống trên đời như đứa trẻ mồ côi, nhưng bây giờ tôi không còn mồ côi nữa! Tôi bị trôi dạt đã lâu, nay đã tìm được bến bờ. Buổi sáng Chúa Nhật tôi trở lại nhà thờ, cũng là ngày tôi trở về với mái nhà thân yêu!
Lâm Ngữ Đường
(Trích Conversions, The Christian Experience, 1985)
bấy lâu nay con không biết Ngài, không thờ phượng Ngài và hôm nay con biết con là người có tội, cảm ơn CHÚA đã yêu con, chết trên thập tự giá để chuộc tội cho con. Giờ đây con tuyên bố con tin nhận CHÚA làm cứu Chúa của cuộc đời con, xin ghi tên con vào sổ sự sống đời đời con cảm ơn Chúa, con cầu nguyện nhân danh chúa Giê-xu Christ Amen!
LIÊN HỆ NHÀ THỜ