Đại Dịch Ebola Để Lại Cho Bạn Suy Nghĩ Gì?

Đại Dịch Ebola để lại cho bạn suy nghĩ gì?

Khiến cho hơn 600 người bị nhiễm và hơn 70% số đó đã tử vong. Sau nhiều lần xuất hiện nhỏ lẻ, đến cuối năm 2013, Ebola trở lại ngay chính vùng đất đầu tiên nó xuất hiện và lần này nó trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều. Tính đến ngày 07/11/2014 đã có 8 quốc gia báo cáo tổng cộng 13.268 người mắc bệnh, trong đó 4.960 người đã tử vong. Ngay cả những nhân viên y tế cũng đã trở thành bệnh nhân, gần 500 người bị lây nhiễm. Liberia, Sierra Leone và Guinea là những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất, trong khi họ đang đối diện với nguy cơ đói kém và nội chiến.

Trong lịch sử nhân loại, không ít lần đại dịch xuất hiện và đã giết chết khá nhiều người.

Đại dịch “Cái chết đen” đỉnh điểm vào những năm 1346-1353, là một trong những thảm họa kinh hoàng về bệnh tật đối với loài người, đã cướp đi sinh mạng khoảng 75 – 200 triệu người (30-60% dân số châu Âu).

Nó không chỉ là nỗi ám ảnh của loài người mà nó còn làm thay đổi lớn đời sống xã hội, tôn giáo và cả kinh tế của châu Âu và châu Á. Phải mất đến 150 năm, dân số của châu Âu mới phục hồi trở lại.

Nguyên nhân gây nên đại dịch này là loại vi khuẩn Yersinia pestis lưu hành trong loài gặm nhấm (chủ yếu là chuột) và bọ chét sống trên cơ thể chúng. Bệnh lây chủ yếu qua bọ chét có nhiễm trùng.

Ban đầu, dịch bùng phát ở Trung Á, sau đó theo các tàu buôn mà xâm nhập vào vùng Địa Trung Hải và châu Âu. Khi nhiễm loại virus này, bệnh nhân chỉ có thể kéo dài sự sống từ 60-180 ngày.

Cái chết đen được chia thành ba nhóm: Dịch hạch thể phổi, thể hạch và thể nhiễm trùng huyết. Thể nhiễm trùng huyết được xem là loại gây tử vong cao nhất. Mãi đến thế kỷ 19, con người mới thực sự kiểm soát được căn bệnh này.

Đại dịch hạch Justinian Plague diễn ra từ năm 541-542 sau Công nguyên, tại Đế quốc La Mã. Với đặc điểm nhận diện là bàn tay của bệnh nhân dần hoại tử. Đây là một trong những dịch bệnh gây nhiễm khuẩn kinh hoàng nhất, lớn nhất trong lịch sử loài người, nhất là châu Á, Bắc Mỹ, Ả Rập và châu Âu.

Nó được so sánh với sức hủy diệt của đại dịch “Cái chết đen”. Mỗi ngày có tới 5.000 người chết, thậm chí đỉnh điểm lên tới 10.000 người tại Constantinople. Loại bệnh này tiếp tục hoành hành sau đó 2 thế kỷ, số người mà nạn dịch này cướp đi không dưới 25 triệu người.

Dịch cúm Tây Ban Nha vào năm 1918-1919 là bệnh cúm gia cầm H1N1 lây lan từ chim sang người từ vùng Trung Tây của Mỹ, sau đó lan sang Tây Ban Nha và cướp đi khoảng 8 triệu người, nên đại dịch này mới có tên gọi dịch cúm Tây Ban Nha. Cái chết đến rất nhanh chóng sau triệu chứng sốt cao, đau họng, sổ mũi… Chỉ trong vòng 2 năm, đại dịch này đã cướp đi sinh mạng của khoảng 50-100 triệu người.

Dịch tả được ghi nhận trong y học của Ấn Độ tại châu Á khoảng gần 600 năm trước Công nguyên. Đây là bệnh nhiễm trùng đường ruột, do trùng Vibrio cholerae gây ra. Độc tố của vi trùng này gây tiêu chảy cấp dẫn đến mất nước và tử vong. Trong vòng 200 năm, loại vi trùng này đã gây ra 7 trận đại dịch, giết hại hàng triệu người.

Bệnh đậu mùa cũng là một trong số những căn bệnh đã từng gây ra những đại dịch mà loài người phải hứng chịu. Đây là bệnh truyền nhiễm chỉ có ở loài người, gây ra bởi 2 loại virus Variola major và Variola minor. Bệnh xuất hiện vào khoảng 10.000 năm trước Công nguyên. Bệnh nhân mắc bệnh này sẽ có các biểu hiện mệt mỏi, nổi ban đỏ đặc trưng. Sau đó biến đổi thành mụn mủ lây lan rất mạnh. Bệnh đậu mùa đã giết chết khoảng 400.000 người dân châu Âu ở những năm cuối thế kỷ 18 và 2 triệu người vào năm 1967. Sau chiến dịch chủng đậu vắc-xin trong hai thế kỷ 19 và 20, bệnh đậu mùa đã mất hẳn từ năm 1979.

Đại dịch AIDS từ khi phát hiện ra HIV vào năm 1981 cho đến năm 2006, đã giết chết hơn 25 triệu người. Hiện nay, khoảng 0,6% dân số thế giới bị nhiễm HIV.

Những năm gần đây, dịch hô hấp cấp, cúm gia cầm,… xuất hiện, cũng làm không ít người chết, tuy nhiên so với đại dịch trong quá khứ hoặc đại dịch Ebola thì qui mô chúng vẫn còn quá nhỏ.

Tra cứu Kinh Thánh, chúng ta thấy, đại dịch không phải bây giờ mới có. “Bệnh dịch” là từ ngữ thường chỉ về loại bệnh xảy ra trong một nhóm dân số nhất định, trong một khoảng thời gian nhất định, lây lan vượt quá sự hiểu biết trước đó. Y học cổ truyền hay gọi là “dịch lệ” vì quá độc hại cho cộng đồng, hay “ôn dịch” vì thường gây sốt. Do lây lan mạnh, thường gây ra triệu chứng hôi thúi và tử vong nên được Kinh Thánh xem là tai vạ.

Trong sách Xuất 9:15; Lê-vi 26:25; Phục Truyền 28:21 chép, Đức Chúa Trời đã “khiến” hay “giáng” dịch bệnh, có nghĩa là Ngài cho phép những điều kiện bên ngoài xảy đến làm cho dịch bệnh bùng phát ra. Chúa thường cảnh báo dân sự bằng các tai vạ bởi gươm, đói kém và ôn dịch – Ê-xê-chi-ên 6:11. Như một qui luật: dịch bệnh là hậu quả của chiến tranh, mất mùa, đói kém…

Sách Xuất từ đoạn 7-11 đã ghi lại 10 tai vạ mà Pha-ra-ôn và đất nước Êdíptô đã gánh chịu khi không đáp ứng lời phán bảo của Chúa qua Môise, cho phép dân Ysơraên ra đi. Chính vì sự cứng cỏi và vô tín của Pharaôn mà Đức Chúa Trời đã giáng 10 tai vạ xuống trên cuộc sống của họ:

– Tai vạ thứ nhứt: nước sông bị hôi thối

– Tai vạ thứ nhì: loài ếch nhái

– Tai vạ thứ ba: muỗi

– Tai vạ thứ tư: ruồi mòng

– Tai vạ thứ năm: súc vật bị dịch lệ

– Tai vạ thứ sáu: ghẻ chốc

– Tai vạ thứ bảy: mưa đá

– Tai vạ thứ tám: cào cào

– Tai vạ thứ chín: sự tối tăm

– Tai vạ thứ mười: con trai đầu lòng bị giết chết

Tai vạ cuối cùng thật kinh khiếp, Kinh Thánh ghi lại: “Trong cả xứ Ê-díp-tô sẽ có tiếng kêu la inh ỏi, cho đến đỗi chưa hề có, và cũng sẽ chẳng bao giờ có giống như vậy nữa.” – Xuất Êdíptô ký 11:6

Cảnh tượng ngày cuối cùng của nhân loại cũng không khác bao nhiêu, Chúa Giê-xu nói về những ngày đó: “…Dân nầy sẽ dấy lên nghịch cùng dân khác, nước nọ nghịch cùng nước kia; sẽ có sự động đất lớn, có đói kém và dịch lệ trong nhiều nơi, có những điềm lạ kinh khiếp và dấu lớn ở trên trời …” – Luca 21: 10-12

Trong sách Khải huyền, Giăng cũng đã được Đức Chúa Trời cho thấy những hình ảnh của ngày sau rốt: “Tôi nhìn xem, thấy một con ngựa vàng vàng hiện ra. Người cưỡi ngựa ấy tên là Sự chết, và Âm phủ theo sau người. Họ được quyền trên một góc tư thế gian, đặng sát hại dân sự bằng gươm dao, bằng đói kém, bằng dịch lệ và bằng các loài thú dữ trên đất.” – Khải huyền 6:8

Chúng ta không biết những đại dịch hiện nay đã là cuối cùng của nhân loại hay chưa, nhưng chắc chắn đó là những hiện tượng mà Đức Chúa Trời muốn nhắc nhở chúng ta: thời kỳ sau rốt đã đến gần. Thái độ của mỗi người sẽ khác nhau tùy theo niềm tin của họ, nhưng đối với những người con Chúa, đặt sự trông cậy vào ơn yêu thương của Chúa là điều giúp chúng ta có những sự lựa chọn đúng đắn, sống theo ý Chúa để có thể có đời sống đạo kết quả, làm vinh hiển danh Ngài.

TÔI MUỐN TIN CHÚA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *