Có Phải Vũ Trụ Này Tự Nhiên Mà Có?
Khi khoa học chưa phát triển, thì con người bị rơi vào đủ thứ mê tín, dị đoan; đến nỗi họ sẵn sàng thờ lạy mọi điều chi làm cho mình sợ hãi và gọi đó là Thượng Đế. Nhưng khi khoa học mới phát triển được một chút, thì có người lại bạo miệng nói rằng không có Thượng Đế.
Cả hai thái độ trên đều không đúng, vì như những đồng tiền giả trên thị trường không thể phủ nhận giá trị của những đồng tiền thật, thì cũng vậy, người ta không thể dựa vào sự thờ lạy quá đáng của người thượng cổ hay một vài phát minh của khoa học để nói rằng không có Thượng Đế.
Vũ trụ không thể tự nhiên mà có
Hãy nhìn chiếc đồng hồ đeo trên tay hoặc trong nhà bạn, có ai dám nói rằng cái đồng hồ nầy tự nhiên mà có, không? Chỉ có những người không bình thường mới dám nói như vậy! Có một nhà khoa học nổi tiếng đã tiếp một người bạn vô thần tại nhà mình; khi nhìn thấy mô hình thái dương hệ trên bàn, anh ta thử quay cái trục cho nó chuyển động và kêu lên rằng: “Ồ! Anh làm cái nầy tuyệt quá”.
Nhà khoa học trả lời rằng: “Không đâu, nó tự nhiên mà có đấy.”
Người bạn nói: “Nầy, anh nói đùa với tôi đấy à?”
Nhà khoa học bèn đáp: “Anh ơi, chỉ có một món đồ chơi cỏn con mà anh còn không tin rằng nó tự nhiên mà có, thì làm sao anh lại tin rằng cái vũ trụ tuyệt vời nầy có thể tự nhiên mà có được?”
Trong phút chốc, người bạn vô thần bỗng nhìn thấy sự mâu thuẫn của mình, và một thời gian sau đó, anh ta đã trở nên một con cái Chúa.
Sự sáng tạo vũ trụ
Có một số nhà khoa học cho rằng vũ trụ nầy đã được hình thành cách đây khoảng năm tỉ năm, một số khác thì lại cho rằng có thể khoảng bảy tỉ năm hoặc nhiều hơn nữa … Nhưng tất cả đều đồng ý với nhau rằng vũ trụ nầy đã có một khởi nguồn …
Kinh Thánh chép: “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất”(Sáng thế ký 1:1).
Cái khoảng thời gian mà con người cho là nhiều tỉ năm thì Kinh Thánh chỉ dùng hai chữ “ban đầu” để mô tả: đó là khởi điểm của thời gian mà vũ trụ được hình thành, và Kinh Thánh là quyển sách duy nhất trên thế giới khẳng định rằng Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa của vũ trụ.
Nguồn gốc của Đức Chúa Trời
Nhưng có người lại cắc cớ hỏi rằng: “Vậy, ai đã sinh ra Đức Chúa Trời?” Đây là một câu hỏi hoàn toàn mâu thuẫn, vì nếu có ai đó đã sinh ra Ngài thì Ngài đâu phải là Đức Chúa Trời nữa – thật chẳng khác nào lại đi hỏi rằng: “Cái gì có trước cái đầu tiên?” Dù vậy, trong Kinh Thánh có ghi lại lời phán của Đức Chúa Trời một cách tỏ tường rằng: “Ta là Đấng Tự-Hữu Hằng-Hữu”, tức là Đấng tự có và hằng còn lại cho đến đời đời vô cùng (trích từ sách Xuất Êdíptô ký 3:14 trong Kinh Thánh).
Niềm tin của những nhà khoa học
Nhưng, dù sao thì các nhà khoa học cũng chỉ có thể tổng hợp những cái đã có sẵn để cho ra những cái mới mà họ chưa biết, chứ họ không thể lấy từ cái không không mà tạo ra vật chất. Như vậy, mọi việc mà con người có thể làm đều dựa trên những cái mà Đức Chúa Trời đã tạo ra .. Vả lại, phạm vi nghiên cứu của khoa học chỉ là vật chất và những chuyển động của nó; còn vấn đề có Đấng Tạo Hóa hay không thì hoàn toàn không thuộc phạm vi của khoa học.
Cho nên, nếu dựa vào khoa học để bài bác sự hiện hữu của Đức Chúa Trời thì đó chỉ là việc làm của những người thiếu tự-trọng. Vì vậy, đa số những nhà khoa học trong lịch sử nhân loại đều là những người tin có Đấng Tạo Hóa, chứ không phải là những kẻ vô thần.
Niềm tin của cả nhân loại
Không ai có thể phủ nhận được sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Dầu những người tự xưng mình là vô thần, nhưng trong những lúc cùng khốn của cuộc đời, họ vẫn kêu lên rằng: “Trời ơi!”, chứng tỏ họ tin có một Đấng có thể nghe thấu nỗi lòng của họ.
Như vậy, từ trong tâm trí cũng như trong nơi sâu thẳm của tấm lòng, mỗi con người đều nhìn nhận rằng có một Đấng Tạo Hóa đã dựng nên vũ trụ, mà trong đó có cả con người của chúng ta.
Chúng ta có mối quan hệ như thế nào với Đấng Tạo Hóa?
Biết rằng có Đấng Tạo Hóa là vấn đề quan trọng nhất của đời sống, vì nếu một người không tin có Đức Chúa Trời thì cũng chẳng khác nào như một người con, khi lớn lên lại tuyên bố rằng mình không có cha mẹ và cũng chẳng cần tới cha mẹ nào cả. Bạn có vui lòng không khi biết rằng trong tương lai, con mình sẽ đối xử với mình như thế?..
Nhưng, điều quan trọng kế tiếp là chúng ta phải biết rằng mình có mối quan hệ như thế nào với Đức Chúa Trời, là Đấng Tạo Hóa của vũ trụ?..
Kinh Thánh, là quyển sách chứa đựng những lời phán của Đức Chúa Trời, có chép rằng: “Đức Chúa Trời yêu thương thế gian” (Giăng 3:16), nghĩa là Ngài yêu thương mọi con người sinh ra trong thế gian nầy, không phân biệt ai hết. Ngài không yêu thương những việc không tốt mà con người đã làm, nhưng Ngài yêu thương chính con người.
Đây là một điều vượt quá trí tưởng của con người qua mọi thời đại. Người ta thường hay hình dung ra Đức Chúa Trời một cách méo mó theo sự tưởng-tượng của mình, rằng Ngài là một Đấng rất đáng sợ và thường gây đau khổ cho loài người..
Thật, chẳng khác nào khi lòng nhơn từ thúc giục bạn bế một đứa bé bị ngã về tới nhà, nhưng khi những người thân nổi nóng và hỏi nó rằng: “Ai làm cho mầy bị ngã?” thì nó lại chỉ vào chính bạn … Trong đau khổ, người ta thường kêu Trời – nhưng khi đã được tai qua nạn khỏi, người ta bèn ăn chơi phè phỡn và thờ lạy tà thần. Kinh Thánh đã xác định rằng bất cứ một thần thánh nào không phải là Đấng Tạo Hóa đều là tà thần. Dù vậy, cũng giống như những người thân kém ý thức của đứa bé bị ngã kia, sau đó người ta lại cho rằng những khổ đau ấy là do Trời đem lại …
Thưa bạn, hầu hết những đau khổ trên thế gian nầy là hậu quả của chiến tranh, lòng tham lam, ghen ghét, say sưa, dối trá, thủ đoạn, buôn bán phụ nữ – trẻ em, .. đều là do con người mà ra. Cũng chính những tội lỗi đó đã khiến cho thế giới nầy ngày càng đi sâu vào vực thẳm của sự chà đạp lẫn nhau và chúng ta không thể nói trước rằng tận thế sẽ đến vào lúc nào – khi những kho vũ khí hủy diệt của con người, bởi lòng hận thù, sẽ được đem ra để sử dụng hàng loạt …
Vũ trụ mà chúng ta hiện đang thấy đây chỉ là vật chất, nó đã có lúc được dựng nên và cũng có lúc nó sẽ qua đi theo thời gian. Nhưng khi dựng nên con người, Đức Chúa Trời lại ban cho họ một điều cao quí hơn hẳn muôn vật, đó là một tâm-linh bất diệt. Nhờ đó, con người có thể tương giao với Đức Chúa Trời như một người Cha và cùng vui hưởng sự sống đời đời với Ngài trên Thiên Đàng.
Đức Chúa Trời đã dựng nên Thiên Đàng cho con người ngay từ buổi đầu sáng thế và Ngài cũng dựng nên Hỏa Ngục cho ma quỉ là những thần linh gian ác, xấu xa. Nhưng khi tội lỗi đã xen vào thì con người đã hoàn toàn thay đổi, và thay vì đi vào con đường sự sống thì họ lại đi vào con đường dẫn tới sự chết đời đời.
Nhưng Kinh Thánh lại xác định với chúng ta rằng bản chất của Đức Chúa Trời là tình yêu thương và tình yêu thương ấy Ngài dành trọn cho nhân loại là những con người mà Ngài đã tạo đựng. Cho dù bạn là ai và bạn đã từng làm gì thì điều đó không quan trọng. Chỉ có một điều quan trọng mà bạn cần biết ấy là Đức Chúa Trời yêu thương bạn. Bạn có bao giờ nghĩ rằng mọi tình yêu trong thế gian nầy là do Đức Chúa Trời mà ra không? Phải, mọi tình yêu chân chính đều đến từ Đức Chúa Trời và Ngài không chia tình yêu của Ngài ra cho mọi người, nhưng Ngài yêu thương mỗi con người bằng cả tình yêu của Ngài.
Thượng Đế yêu thương những người già cả cũng như những trẻ thơ, Ngài yêu thương những người hiền lành cũng như những người đã từng phạm vô số sai lầm. Kinh Thánh chép rằng: “Đức Chúa Trời yêu thương thế gian”
Cho dù rằng “thế gian” có nghĩa là “gian như thế” đi nữa, nhưng điều đó cũng không làm thay đổi được tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Khi con bạn được khỏe mạnh, bạn thấy mọi sự vẫn diễn ra cách bình thường. Nhưng khi con bạn bị ngã bệnh, bạn mới thấy rằng mình yêu thương con đến mức không thể tưởng được, thậm chí bạn sẵn sàng đem mạng sống mình để đổi lấy cho con. Đức Chúa Trời cũng vậy, tình yêu thương mà Ngài dành cho mỗi con người là đầy trọn, và khi tình trạng của họ càng tệ hại chừng nào, thì tình yêu thương đó càng được bày tỏ rõ ràng hơn chừng nấy.
Đức Chúa Trời đã làm gì để cứu con người ra khỏi tội lỗi?
Kinh Thánh chép tiếp rằng: “Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con một của Ngài”.
Nếu vũ trụ nầy tự nhiên mà có thì nó chỉ là một vũ trụ vô tri. Nhưng nếu có một Đấng Tạo Hóa đã dựng nên vũ trụ thì Ngài có thể bày tỏ chính mình Ngài cho nhân loại – và Ngài đã làm việc ấy qua sự giáng sinh của Chúa Jêsus tại máng cỏ Bếtlêhem cách đây 2000 năm. Bạn có để ý tới hai chữ “giáng sinh” không? Không một con người nào trong nhân loại được phép dùng tới hai chữ đó ngoại trừ Chúa Jêsus. Nó có nghĩa là “Đấng Tạo Hóa được sinh ra làm người” và đó là cách mà Đức Chúa Trời đã lựa chọn để viếng thăm nhân loại.
Kinh Thánh đã khẳng định nhiều lần rằng loài người – vì tội lỗi, sẽ không thể nào sống nổi nếu nhìn thấy sự vinh quang của Đấng Tạo Hóa. Cho nên, Ngài đã bằng lòng được sinh ra như một con người để gần gũi với chúng ta và nói cho chúng ta biết về tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với nhân loại. Nhờ đó, Ngài có thể che giấu vinh quang của Ngài trong hình hài của một con người và chỉ phát lộ cách dịu dàng để mọi người đều có thể đến gần được …
Có một lần, Chúa đụng vào một người cùi và người ấy đã được chữa lành lập tức … Một lần khác, Chúa đã phán với một người mù và người ấy đã được sáng mắt hoàn toàn … Một ngày nọ, Ngài đã phán với bão tố trên biển Galilê thì nó liền yên lặng như tờ … Tất cả những điều lạ lùng ấy xảy ra trong cuộc đời Ngài đã chứng tỏ rằng Đấng Tạo Hóa đã từng sống ở giữa nhân loại … Nhưng điều lạ lùng hơn hết, ấy là vào cuối cuộc đời chức vụ -Ngài đã bằng lòng bị đóng đinh trên cây thập tự để chuộc tội cho nhân loại …
Đây là trung tâm chức vụ của Chúa Jêsus, là việc lớn lao hơn hết mà Ngài đã đến thế gian để thực hiện. Khi chữa lành thân thể của chúng ta, Chúa muốn nói rằng Ngài rất mong chúng ta có được một đời sống bình an và hạnh phúc ngay trong đời nầy. Nhưng khi chịu đóng đinh để chuộc tội cho chúng ta, ấy là Ngài muốn đem lại cho chúng ta sự tha tội và một đời sống mới, cho tới chừng chúng ta được bước vào trong Thiên-đàng vinh hiển với Ngài.
Bởi cớ đó, trời và đất đã trở nên tối tăm vào giờ mà Chúa chuộc tội cho nhân loại và Ngài đã kêu lên trên thập tự giá rằng: “Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?” (Kinh Thánh Mathiơ 27:46).
Chúa Jêsus đã bị Đức Chúa Trời lìa bỏ để chúng ta có thể được Đức Chúa Trời tiếp nhận – Ngài đã gánh thay mọi tội lỗi cho bạn, để bạn có thể nhận được sự tha thứ và sự sống đời đời của Đức Chúa Trời.
Tội lỗi và hình phạt là hai vấn đề không thể tách rời nhau, thậm chí những tòa án bất toàn của loài người còn biết tới chuyện đó, huống chi là Đấng Tạo Hóa thánh – thiện trọn vẹn. Nhưng thay vì giáng hình phạt lên thế gian phạm tội, Đức Chúa Trời đã trút tất cả những hình phạt ấy lên người Con yêu dấu của Ngài trên cây thập tự …
Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, Ngài đã ban Con một của Ngài để gánh thay tội lỗi của chúng ta.
Đó là cách mà Đức Chúa Trời đã làm để cứu bạn ra khỏi tội.
Bạn cần phải làm gì để nhận được sự cứu rỗi đó?
Kinh Thánh không bao giờ kêu gọi chúng ta phải làm lành lánh dữ để được cứu rỗi. Ngược lại, lời Chúa chép rằng“Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rôma 3:23). Cho nên không có một việc làm nào của chúng ta là hoàn toàn lành cả, thảy đều dính dấp với tội lỗi. Cũng giống như một giọt mực chỉ nhỏ vào mặt ly nước, nhưng nó làm cho cả ly nước đều bị nhiễm mực. Chỉ có một điều là mức độ tội lỗi trong những việc chúng ta làm không hoàn toàn giống nhau: người thì đã quen làm những việc gian ác, kẻ thì chỉ mới lỡ làm một việc tệ hại, người thì nuôi những ý tưởng đen tối trong lòng,.. Nhưng bạn có biết rằng phạm tội trong tư tưởng cũng giống như phạm tội trong hành động không? Chỉ có điều là nó chưa có cơ hội thuận tiện để thực hiện, thế thôi! …
Do đó, xin bạn đừng vội cho rằng mình phạm tội ít hơn những người khác, vì tội lỗi bề trong quan trọng hơn tội lỗi bề ngoài. Một người có thể vì bị hoàn cảnh ép buộc mà phải phạm nhiều tội tỏ tường, trong khi bạn được hoàn cảnh che chở lại nghĩ rằng mình vẫn tốt hơn nhiều người khác. Thưa bạn, Đức Chúa Trời nhìn thấy bề trong, Ngài nhìn thấy những nơi bí mật của tấm lòng và Ngài không xét đoán theo bề ngoài như loài người chúng ta…
Nhưng Kinh Thánh đã chép rằng: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16).
Điều đó có nghĩa là khi Chúa Giê-xu đã làm xong sự cứu chuộc cho bạn thì bạn không cần phải làm một việc nào cả, nhưng bạn cần phải tin tất cả những gì mà Chúa đã làm cho bạn, thì bạn sẽ được cứu.
Đây là một điều thật đơn giản, nhưng nó có ý nghĩa gì?
- Trước nhất, bạn cần phải nhìn nhận rằng mình đã phạm nhiều lầm lỗi trong cuộc đời, từ hành động cho tới ý tưởng và bằng lòng ăn năn về mọi tội lỗi đó.
- Thứ hai, bạn cần tin rằng Chúa Jêsus đã gánh thay mọi tội lỗi và chịu mọi hình phạt thế cho bạn trên cây thập tự. Nhờ đó, Ngài có thể tha thứ mọi tội lỗi mà bạn đã phạm và ban cho bạn một đời sống mới ngay khi bạn đến với Ngài.
- Thứ ba, bạn cần phải mời Chúa bước vào lòng mình để đổi mới cuộc đời bạn và dẫn dắt bạn bước đi trong những ngày sắp tới.
- Thứ tư, bạn cần phải chịu lễ rửa tội trước sự hiện diện của Chúa bằng cách dìm mình trong nước hoàn toàn rồi sau đó trồi lên khỏi mặt nước. Đây là một nghi lễ đơn giản mà Chúa đã truyền lại cho chúng ta, nhưng nó bao hàm cả ba bước mà chúng ta đã nói đến ở trên: Khi dìm mình trong nước có nghĩa là bạn thừa nhận rằng mình đã đồng chết với Chúa về những tội lỗi và cuộc đời xưa cũ – Cũng vậy, khi trồi lên khỏi mặt nước là bạn thừa nhận rằng mình đã bắt đầu sống lại với Chúa trong một cuộc đời mới …
Khi ấy, cuộc đời bạn đã có Chúa hiện diện, Ngài sẽ cùng đi với bạn trong suốt cuộc đời nầy, tha thứ mọi lỗi lầm bạn lỡ phạm khi bạn ăn năn, cho đến khi bạn nhận được sự sống đời đời trên Thiên Đàng cách trọn vẹn.
Thưa bạn, bốn bước đó được tóm gọn trong một chữ tin mà Kinh Thánh đã nói tới. Nếu bạn tin thật lòng thì đức tin ấy phải dẫn tới hành động và nhờ hành động theo lời Chúa dạy mà đức tin được đầy trọn.
Sau khi chịu thương khó để chuộc tội cho nhân loại, ba ngày sau Chúa đã sống lại để có thể thực hiện mọi lời hứa của Ngài cho chúng ta. Ngày nay, có nhiều người được nghỉ ngơi vào ngày Chúa nhật mỗi tuần mà không biết rằng ấy là ngày kỷ niệm Chúa sống lại.
Vì ngày thứ bảy là ngày cuối tuần và Chúa đã sống lại vào ngày đầu tuần cho nên ngày ấy được gọi là ngày Chúa nhật – tức là ngày của Chúa. Có một số người lại gọi là ngày Chủ nhật, nhưng ý nghĩa của nó vẫn không thay đổi, vì Ngài là Chúa và hiện đang làm Chủ tể của vũ trụ mà Ngài đã dựng nên.
Hãy nhận lấy ngay ngày hôm nay, vì Chúa trông chờ bạn đã lâu. Ngài đã lìa bỏ Thiên Đàng để xuống tận thế gian và đã chịu lấy bao hình phạt nhục nhã chỉ cốt để đem đến cho bạn một đời sống bình an, vui vẻ, thỏa nguyện … trong ơn cứu rỗi của Ngài. Kinh Thánh chép lời Chúa nói với bạn rằng:
“Nầy, ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng người ấy”(Khải huyền 3:20).
Chỉ có bạn mới mở được cánh cửa lòng của mình và Chúa vẫn còn đang đứng chờ cho đến khi nào bạn mở ra và mời Ngài bước vào.
Kinh Thánh chép rằng: “Kìa, hiện nay là thì thuận tiện; kìa, hiện nay là ngày cứu rỗi” (II Côrinhtô 6:2).
Phải, Chúa đang chờ đợi chúng ta và mong ước được bước vào lòng chúng ta ngay bây giờ nếu chúng ta thành thật mời Ngài.
Đấng Tạo Hóa đã yêu thương bạn đến nỗi bằng lòng chết thay cho bạn để đem đến cho bạn sự cứu rỗi ngay trong đời nầy và đời sau nữa.
Nếu lòng bạn muốn nhận được sự cứu rỗi đó, hãy liên lạc với bất cứ một nhà thờ Tin-lành hay một người theo đạo Tin-lành nào ở gần nhà bạn. Chúng tôi sẽ giúp đỡ bạn những bước đi đầu tiên – tuy đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa nầy, để bạn có thể đến với Chúa.
Nếu lòng bạn chưa thể quyết định cách rõ ràng qua những gì chúng tôi nói thì xin bạn hãy quì gối xuống cách chân thành và nói cùng Chúa rằng: “Lạy Chúa, xin bày tỏ cho con biết rằng có Chúa thật hay không?” Chính Chúa sẽ giải tỏa nỗi hoài nghi của bạn vì Ngài là Đấng nghe thấu mọi lời cầu nguyện trong nơi sâu kín của lòng.
Hẹn gặp lại bạn trong Hội Thánh của Chúa Cứu Thế ở khắp nơi. Chúng tôi luôn cầu nguyện cho bạn. A-men.
bấy lâu nay con không biết Ngài, không thờ phượng Ngài và hôm nay con biết con là người có tội, cảm ơn CHÚA đã yêu con, chết trên thập tự giá để chuộc tội cho con. Giờ đây con tuyên bố con tin nhận CHÚA làm cứu Chúa của cuộc đời con, xin ghi tên con vào sổ sự sống đời đời con cảm ơn Chúa, con cầu nguyện nhân danh chúa Giê-xu Christ Amen!
LIÊN HỆ NHÀ THỜ