Đức Chúa Trời Là Thượng Đế – Chân Giả Luận (Phần 33)

Đức Chúa Trời Là Thượng Đế – Chân Giả Luận (Phần 33)

Hỏi: Dân Việt Nam từ xưa đến nay vẫn sùng bái đạo Nho, nhưng trong Nho học, chúng tôi không thấy nói đến Đức Chúa Trời là Chân Thần, tại sao các ông lại đặt điều như thế?

Đáp: Như chúng tôi đã nói trong các bài trước, Đức Chúa Trời mà chúng tôi thờ lạy đây tức là Thượng Đế mà trong các sách Tứ Thư, Ngũ Kinh thường nói đến. Còn về danh xưng Chân Thần thì ý nghĩa của nó cũng không khác với danh xưng Thượng Đế. Vì trong nhân gian có quá nhiều thần giả hiệu, nên chúng tôi thêm chữ “Chân” vào chữ “Thần” (tức Chân Thần) để phân biệt với giả thần. Vua các nước lớn được gọi là Đế, vì thế, chúng tôi thêm chữ “Thượng” vào (tức là “Thượng Đế”) để tôn Ngài lên trên tất cả các vua.

Kinh Thi có câu: “Khắc phối Thượng Đế.” Thầy Chu Tử giải nghĩa như sau: “Thượng Đế là Đấng Chủ Tể trên trời.” và cũng trong Kinh Thi viết: “Hữu Hoàng Thượng Đế.” Thầy Trình giải nghĩa: “Nói về hình thể, thì gọi là Trời; nói về quyền chủ tể, thì gọi là Thượng Đế.” Cả hai lời giải thích trên đều có cùng một ý nghĩa với danh hiệu Chân Thần. Vì vậy Đấng Chân Thần mà hiện nay chúng tôi đang thờ kính chính là Đức Thượng Đế mà các thánh hiền đời xưa kính thờ.

Thật đáng tiếc! Người đời thường vi phạm điều răn thứ ba, trong số mười điều răn của Chúa là, lấy danh Ngài làm chơi; đây là một trọng tội. Có người xưng Ngọc Hoàng là Thượng Đế, lại có kẻ xưng Chân Vũ là Thượng Đế, cũng có kẻ xưng Lão Quân và Hiệp Thiên là Thượng Đế. Do đó, chúng tôi phải dùng danh hiệu Chân Thần để phân biệt với các tà thần.

Vả lại, Lão Quân sinh vào đời nhà Châu, Ngọc Hoàng sinh vào đời nhà Hán. Hiệp Thiên sinh vào đời Hậu Hán, Chân Vũ thì đến triều Minh mới được phong. Những nhân vật ấy là những người thường như chúng ta, có sống, có chết. Trước khi các ông ấy được sinh ra, thì đã có trời, đất và muôn vật, thì tại sao các ông ấy có thể làm chủ tể trời, đất, muôn vật này được? Tôn xưng họ là Thượng Đế là điều vô lý.

Khi đọc Ngũ Kinh và Tứ Thư, chúng ta chỉ thấy các bậc thánh hiền thờ kính Đức Thượng Đế, chứ không thấy ai thờ Lão Quân, Ngọc Hoàng, là các tà thần. Trong Kinh Thi có chép lời vua Thang, rằng: “Ta sợ Đức Thượng Đế,” và lời của Võ vương rằng: “Ta kính vâng Đức Thượng Đế để ngăn loạn lạc.” Còn ông Khổng Tử thì nói: “Lễ Tế giao, tế xã để thờ Đức Thượng Đế.” Cũng còn nhiều câu chữ đề cập đến Thượng Đế nữa, nhưng không thể nào kể hết được. Chúng tôi chỉ nêu ra vài câu điển hình để chứng minh rằng các bậc thánh hiền ấy chỉ kính thờ và tin cậy một Đấng Chân Thần Thượng Đế mà thôi, và cũng để chứng tỏ chúng tôi tin đạo thật, thờ Đức Thượng Đế, tức là Đức Chúa Trời, là hợp theo lời dạy của thánh hiền vậy.

Chú thích của người hiệu đính:

Ngày nay, người ta không dùng danh xưng “Thượng Đế” để xưng gọi Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa của muôn loài muôn vật, mà chỉ dùng để gọi nhiều tà thần của các ngoại giáo. Trong Đạo Giáo Trung Quốc, Thượng đế là một vị thần cai quản trên cao, điều hành cõi thần linh, còn được gọi là Ngọc Hoàng. Trong Hồi Giáo, Thượng đế là Allah. Trong Ấn Độ Giáo, Thượng Đế là Brahma. Trong đạo Cao Đài, Thượng Đế là Cao Đài Tiên Ông. Trong Phật Giáo, Thượng Đế là Đế Thích.

TÔI MUỐN TIN CHÚA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *