Lâm Ngữ Đường: “Vì Sao Tôi Trở Về Với Cơ Đốc Giáo?” (P.1)

Nhà văn Trung Quốc danh tiếng Lâm Ngữ Đường chào đời tại thị trấn Ban Tử, Phúc Kiến, đông nam Trung Quốc. Cha ông là Mục sư Hội Thánh Trưởng Lão, nên ông được lớn lên trong niềm tin Cơ đốc. Thế nhưng đến tuổi trưởng thành ông đã từ bỏ Chúa để đến với Khổng giáo, Phật giáo. Tuy nhiên hơn 30 năm sau ông quay về, ông nói: “Tôi thấy Kinh Thánh không chỉ là quyển sách ghi lại những dữ kiện lịch sử, nhưng là sự mặc khải chính xác qua Chúa Jesus; chính sự mặc khải đó đã khiến tôi thực sự nhận biết Ngài”.

Không tôn giáo, con người không thể sống còn

Nhiều người hỏi tôi (có người vui sướng, có người thất vọng) rằng tại sao một người từng kể là “vô đạo” như tôi lại trở về với Cơ đốc giáo? Tôi trở về với niềm tin Cơ đốc và gia nhập Hội Thánh Chúa vì tôi muốn quay về với Thượng đế và tình yêu của Ngài mà Chúa Jesus đã mặc khải cho tôi cách đơn giản, rõ ràng.

Và câu hỏi quan trọng nhất là: Con người có thể sống mà không cần tôn giáo? Hơn 30 năm qua, tôn giáo duy nhất của tôi là Chủ nghĩa Nhân bản (Humanism), là quan niệm của Khổng giáo về cuộc đời – cho rằng nhờ giáo dục, con người có thể trở nên toàn thiện, thừa sức giải quyết những vấn đề của chính mình.

Bây giờ thì tôi tin rằng nếu không tôn giáo, con người không thể sống còn. Con người không thể nào và chẳng bao giờ có thể tự giải quyết vấn đề của chính mình, và tôn giáo nào dựa vào khả năng tự hoàn thiện để giúp người vẫn chưa được kể là tôn giáo. Con người cần được nối kết với một sức mạnh bên ngoài lớn hơn chính mình. Tôi tin rằng niềm tin Cơ đốc – qua sự mặc khải của Chúa Cứu Thế – đã cung ứng cho con người con đường duy nhất dẫn đến Thượng Đế. Vì khi tinh thần vô tôn giáo và chủ nghĩa vật chất gia tăng thì con người băng hoại, yếu mòn. Chính tôi đã chứng kiến những tệ hại của một quốc gia sống mà không kể gì đến Thượng Đế.

Đến đây có lẽ tôi cũng nên nói qua về chính mình để quý vị rõ. Gia đình tôi theo Cơ đốc giáo đã 3 đời. Cha tôi là Mục sư của Hội Trưởng Lão tại một ngôi làng ở vùng núi hẻo lánh gần cửa khẩu Hạ Môn, đông nam Trung Quốc. Nơi có thung lũng và núi bao bọc, vì thế người ta gọi làng tôi là “cái hồ”. Thời thơ ấu của tôi thật đẹp, được sống gần Chúa, bên cạnh thiên nhiên hùng vĩ mà Ngài đã tạo dựng, thưởng thức vẻ đẹp của những đám mây phủ trên các đỉnh núi cao, đồng cỏ xanh ngát dưới ánh hoàng hôn, tiếng róc rách của dòng suối nhỏ… Những kỷ niệm này đã ảnh hưởng đến niềm tin của tôi, nó làm tôi chán ghét tất cả những gì giả tạo, phiền toái và nhỏ bé. Gia đình tôi sống đơn sơ nhưng đầy tình thương. Anh em chúng tôi không được phép cãi nhau, cũng chẳng bao giờ cãi nhau. Trong nhà ai cũng ham được học hành đến nơi đến chốn…

Thời đại Khai sáng”

Lúc đó là đầu thế kỷ 20, khi Từ Hy Thái Hậu còn cầm quyền tại Trung Quốc. Cha tôi nửa đùa nửa thật, hy vọng một ngày kia tôi sẽ được học đại học ở Berlin hoặc Oxford. Chúng tôi thường mơ ước viễn vông như thế. Sau đó ít lâu, một biến cố xảy ra đã ảnh hưởng sâu đậm đến tôi: chị thứ hai của tôi – rất thông minh, hiền hậu – muốn được học đại học, nhưng ở Trung Hoa lúc đó việc học là của con trai, hơn nữa cha tôi chỉ có thể lo cho 1 đứa ăn học mà thôi.

Vì thế năm 21 tuổi chị đi lấy chồng. Còn nhớ hôm đó tôi và chị cùng xuôi chuyến đò: chị về nhà chồng còn tôi lên Thượng Hải vào đại học. Lúc chia tay, chị lấy trong túi áo cưới 40 đồng bạc giúi vào tay tôi và khóc: “Chị là con gái, không được đi học, còn em được học đại học, đừng lãng phí cơ hội. Ráng học để mai kia trở nên người tốt, hữu dụng, nổi tiếng…”. Hai năm sau chị chết vì dịch hạch. Bốn mươi đồng chị cho tôi đã tiêu hết, nhưng những lời chị nhắn nhủ tôi chẳng bao giờ quên.

Lên Thượng Hải, tôi chọn ngành Thần học với ý định làm Mục sư, nhưng chẳng biết vì sao tôi cảm thấy môn này thật vô nghĩa và đâm chán. Nghĩ rằng nên thành thật với chính mình, tôi bỏ ý định làm Mục sư. Và dù vẫn còn lòng tin nơi Chúa, tôi bỏ không đi nhà thờ nữa. Từ đó những ảnh hưởng xung quanh khiến tôi trở thành người ngoại đạo, vô thần.

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi lên Bắc Kinh đi dạy. Như bao nhiêu sinh viên khác ra trường Thần học, tiếng Trung của tôi rất kém. Tôi cũng không biết nhiều về văn học dân gian, và là tín đồ Tin Lành, tôi không được phép nghe “nhạc đời”. Mỗi khi ngang rạp hát chúng tôi phải nhìn thẳng phía trước mà đi, không được lảng vảng đến gần. Hồi nhỏ tôi biết chuyện Joshua thổi kèn làm tường thành Jericho sụp đổ, nhưng chẳng ai kể tôi nghe chuyện nước mắt nàng Mạnh Khương làm trôi một góc Vạn Lý Trường Thành.

Tiếp xúc một xã hội Trung Hoa thật sự với tất cả hào nhoáng của thành Bắc Kinh, tôi xấu hổ trước sự dốt nát của mình nên lao đầu vào việc nghiên cứu văn chương, triết học Trung Quốc. Tuy nhiên đối với người được trưởng dưỡng trong gia đình “đạo dòng” như tôi, đó không phải chuyện dễ. Tôi lo sợ khi phải bước ra khỏi thế giới có Chúa bao bọc và bước vào một thế giới ngoại giáo. Nhưng rồi một người bạn, một nhà trí thức theo đường lối giáo dục mới đã thu hút tôi với chủ trương “nhân chi sơ tính bản thiện” của Nho giáo.

Tôi biết Đức Khổng Tử dạy con người thà chết lành hơn sống dữ, Mạnh Tử cũng nói: “Tôi yêu đời sống nhưng cũng yêu lẽ phải, nếu không thể có cả hai, tôi sẵn sàng hy sinh đời sống để được lẽ phải”. Đó là căn cơ của Chủ nghĩa Nhân bản: cậy vào sức mạnh và lý trí để nâng cao và cải thiện chính mình, sau đó cải thiện cả thế giới. Đây cũng là chủ trương của những nhà duy lý thế kỷ 18 (chủ trương này chịu ảnh hưởng ít nhiều của Nho giáo) như Voltaire, Diderot, Leibnitz… Đây là thời đại được mệnh danh: Thời đại Khai sáng.

“Đời là bể khổ!”

Chủ thuyết nầy thỏa mãn tâm hồn tôi suốt nhiều năm. Nhưng rồi qua kinh nghiệm và những phút suy tư, tôi thấy một cái gì bất an bắt đầu xâm chiếm tâm hồn. “Thời đại Khai sáng” của Chủ nghĩa Nhân bản đã nảy sinh chủ nghĩa vật chất. Niềm tin vào chính mình gia tăng, nhưng niềm tin đó không làm con người trở nên thánh thiện hơn. Con người có thể tài giỏi hơn, nhưng càng ngày mất đi tính mềm mại, khiêm tốn của một người trước sự hiện diện của Thượng Đế.

Lịch sử hiện đại chỉ cho tôi thấy rõ rằng thiếu đức khiêm tốn, con người dù tiến bộ về kỹ thuật, vật chất… đã trở nên dã man, tàn ác. Vì càng ngày càng không thỏa lòng với Chủ nghĩa Nhân bản, tôi tự hỏi: “Có tôn giáo nào trên đời này có thể đáp ứng được niềm khao khát của những người văn minh, học thức?”. Cũng như Chủ nghĩa Nhân bản, Nho giáo với tất cả giáo huấn đạo đức cao siêu không đủ cải thiện con người, đã nhiều lần, nhiều cách, con người chứng tỏ mình không tốt chút nào.

Phật giáo là đạo từ bi, đặt căn bản trên triết lý rằng tất cả những gì có thể cảm biết được trên đời này chỉ là ảo ảnh. Điều hay nhất, duy nhất Phật giáo có thể cống hiến là cho con người biết rằng “Đời là bể khổ!”. Triết lý của Lão giáo rất gần với Bài giảng Trên núi của Chúa Jesus. Tuy nhiên chủ trương trở về với thiên nhiên và chữ “nhàn” của Lão giáo chẳng những không thích hợp với đời sống văn minh, cũng không giải quyết được vấn đề của con người hiện đại.

Có lẽ thời gian này, đức tin thời thơ ấu đã sống lại trong tiềm thức tôi. Trong những năm đó mỗi lần di chuyển đến nơi nào, vợ tôi cũng tìm đến nhà thờ để đi lễ. Dầu vậy mỗi lần ở nhà thờ về, tôi cảm thấy thất vọng hơn phấn khởi. Tôi không thể chịu nổi khi phải nghe những bài giảng dở. Tôi khó chịu mỗi khi nghe Mục sư nói về tội lỗi, địa ngục, diêm sinh, hồ lửa… Cuối cùng tôi tự nhủ sẽ chẳng bao giờ trở lại nhà thờ nữa!

(Còn tiếp)

Lâm Ngữ Đường

TÔI MUỐN TIN CHÚA