Thế Nào Là Hiếu Thật – Chân Giả Luận (Phần 23)

Thế Nào Là Hiếu Thật – Chân Giả Luận (Phần 23)

Hỏi: Nói ngắn gọn, việc thờ cúng tổ tiên là một việc làm thể hiện tấm lòng hiếu đạo, tại sao chúng ta phải bỏ đi?

Đáp: Thầy Tăng Tử nói rằng: “Giết trâu tế mộ không bằng giết con gà, con heo lúc cha mẹ còn sống.” Không có gì bằng tấm lòng hiếu thảo lúc cha mẹ còn sống vì chỉ làm con gà cho họ ăn cũng đủ làm họ vui lòng. Còn khi họ qua đời rồi, chúng ta có làm lễ tế trâu, cha mẹ cũng không ăn được. Như thế mà vẫn có những người đối xử tệ bạc với cha mẹ khi họ còn sống, nhưng lại rất hậu đãi khi cha mẹ qua đời như tục ngữ có câu: “Sống, một miếng chẳng cho ăn, chết làm văn tế ruồi.” Thật là một việc lạ!

Chữ hiếu của người theo đạo Tin Lành không phải do nơi việc cúng tế, mà do nơi những hành động cụ thể của họ. Khi cha mẹ còn tại thế, người theo đạo Tin Lành làm những việc làm thiết thực như: phụng dưỡng chu đáo, hiếu thảo cho vừa ý song thân. Nếu cha mẹ chưa biết Đức Chúa Trời, chưa tin nhận Đức Chúa Giê-xu, thì việc trước tiên, và thiết yếu nhất là chúng tôi làm chứng về Chúa, và khuyên giải song thân tin nhận Cứu Chúa để linh hồn được cứu rỗi.

Khi cha mẹ lìa trần, tùy thuộc vào tình hình kinh tế, tài chánh và gia cảnh của mỗi gia đình mà chúng tôi tổ chức việc tang lễ trong tinh thần tiết kiệm cho hợp lý. Chúng tôi không mời những thầy xem quẻ, thầy địa lý, xem ngày giờ hoặc tìm long điểm huyệt cùng với các nghi lễ rườm ra, giả dối vô ích. Chúng tôi cũng thường xuyên chăm sóc mộ phần để phát hiện những hư hỏng mà sửa chữa kịp thời.

Vả lại, như thế nào mới gọi là hiếu thật? Nếu cha mẹ là người hiền đức, chúng ta phải noi theo tấm gương ấy; đó là “đạt hiếu” như Võ vương ngày xưa. Nếu cha mẹ không phải là những người hiền, chúng ta phải tránh phạm theo những sai lầm của người; đó là “đại hiếu” như vua Thuấn thuở xưa.

Vì tấm lòng hiếu để ấy mà chúng ta đối xử tử tế với anh em mình, làm ơn cho họ hàng thân tộc. Rồi từ tấm lòng yêu quý trong phạm vi gia đình sẽ nảy sinh trong chúng ta một thứ tình yêu bao la hơn. Đó là tình yêu chủng tộc giống nòi, yêu đồng loại, yêu quê hương đất nước mình. Nhờ đó, chúng ta làm nên sự nghiệp lớn để thành người hữu ích cho xã hội và đất nước.

Nếu chúng ta so sánh chữ “hiếu” mà chúng tôi vừa phân tích, với chữ “hiếu” là cúng tế tổ tiên, thì chúng ta sẽ nhận thấy chân, và giả khác nhau như trời với vực.

TÔI MUỐN TIN CHÚA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *