Món Quà Nào Đặc Biệt Nhất Mùa Giáng Sinh Năm Nay?

Món Quà Nào Đặc Biệt Nhất Mùa Giáng Sinh Năm Nay?

“Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời” –  Tin Lành Giăng 3:16

Mỗi dịp Giáng sinh về nhiều cánh thiệp đẹp đẽ, nhiều gói quà quý giá, những lời chúc hay nhất được trao đổi. Đây là một cơ hội để hàng tỷ người trên Thế giới gởi quà tặng cho nhau. Vì sao mùa Giáng sinh lại là mùa trao và nhận quà? Vì mùa Giáng sinh là mùa của Tình Yêu. Đức Chúa Trời vì quá yêu con người nên đã ban cho con người món quà Thiên thượng.

Con người có thể nhận rất nhiều quà, tuy nhiên món quà hoàn hảo nhất cách đây 2015 năm Chúa Giê-xu chính là món quà nhân loại đã được nhận. Chính Thiên sứ đã can thiệp vào giấc mộng Giô-sép đã làm cho chàng thanh niên Do-Thái nầy vốn là người cương trực lại càng vững vàng đi đến quyết định can đảm và đầy tình yêu. “Giô-sép con cháu của Đa-vít ơi! Con chớ ngại lấy cô Ma-ri làm vợ, vì cô ấy chịu thai Thánh Linh Chúa. Người sẽ sinh một trai, ngươi khá đặt tên là Giê-xu vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội” – Ma-thi-ơ 1:20-21.

Cảm ơn Chúa, chàng đã vượt qua tất cả, vượt cả việc âm thầm từ hôn vì không muốn nàng bị bêu xấu. Chàng tỉnh dậy sau giấc mộng vàng, chàng đem Ma-ri về với mình, cưới nàng về nhà song không hề ăn ở với nhau, cho đến khi nàng sinh một trai và đặt tên là Giê-xu.

getres

1. ĐẤNG BAN QUÀ TẶNG: THƯỢNG ĐẾ TÌNH YÊU – Giăng 3:16

Món quà thể hiện được tình yêu và sự tha thứ, sự cứu vớt và biến đổi cuộc đời. Tình yêu Giáng sinh được Tin Lành Giăng 3:16 bày tỏ cách Đức Chúa Trời tặng quà cho nhân loại. Người Á Đông đặc biệt chú trọng đến người tặng quà, người tặng ít nhất phải xứng đáng mới nhận. Ở đây chính Thượng Đế khởi xướng sự ban tặng. Tư cách giá trị của Ngài, Thánh kinh vẫn không đủ lời để diễn đạt. Đó là tình yêu không đo lường được của Ngài.

Khi tạo dựng vũ trụ vạn vật Ngài tạo dựng con người là tuyệt điểm của sự sáng tạo vì con người theo ảnh tượng của Ngài với bản chất tình yêu thương và sự công bình. Ngài để họ vào cảnh vườn địa đàng đầy phước hạnh, nơi nước sông không khi nào đóng băng, gió lạnh không khi nào thổi, bầu trời không khi nào giá lạnh và hoa thì không khi nào tàn héo.

Song cảnh Thiên đàng con người hưởng chưa được là bao nhiêu…Thì đêm trường đau khổ chợt đến và rồi con người đã đánh mất vì nghe theo lời ma quỷ cám dỗ đã chống nghịch lại Ngài. Bằng cách bất tuân mạng lịnh Chúa truyền: “Con được tự do ăn mọi trái cây trong vườn, trừ cây biết điều thiện và điều ác, một khi con ăn chắc sẽ chết”. Sáng thế ký 2:16-17.

grab1404567038medium_ymi1366900053

Và rồi con người đã chết thật, họ bị phân rẽ với Ngài, họ bị chết về phần tâm linh. Khi được sáng tạo, được hơi thở Ngài truyền sức sống và rồi họ cũng chết về phần thân xác. A-đam sống 930 tuổi rồi chết và sự chết đời đời cả hồn lẫn xác. Ngài yêu con người nên Ngài lập một kế hoạch cứu rỗi. 1 Giăng 4:9

Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều nầy: “Đức Chúa Trời đã sai Con một Ngài đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống”. Từ ngữ đặc biệt, hành động cao cả, mỗi một phương tiện đều được huy động để lột tả phần nào tình yêu của Đức Chúa Trời. Tình yêu Ngài là tình yêu mặc dầu, chúng ta yêu nhau tình yêu có điều kiện…tôi yêu anh vì…tôi yêu cô…vì…? Nhưng Ngài yêu chúng ta mặc dầu. Mặc dầu chúng ta tội lỗi đáng chết Ngài vẫn yêu. Vì Đức Chúa Trời yêu thương. Vì thế cho nên Chúa Con ngôi hai nhập thể thành người trong đêm Giáng sinh mọi người đều nhận được sự vui mừng. Bình an dưới thế ân trạch cho loài người.

Có còn vinh dự nào hơn, căn bản nào hơn ý niệm Em-ma-nu-ên Đức Chúa Trời ở với chúng ta. Chúng ta tặng quà cho nhau vì nhiều lý do, trong đó có lý do “nếu” trong đó có lý do “vì”. Nếu anh tốt thì tôi tặng cho anh. Em tặng cho anh vì …anh… Chúng ta tặng quà để tạo nên tình cảm, có khi đền ơn đáp nghĩa, có khi tặng quà để hợp phép xã giao. Chúa tặng cho chúng ta chỉ một lý do duy nhất đó là Tình Yêu. Giăng 3:16

Giăng 4:10 “Nầy sự yêu thương ở tại đây. Ấy chẳng phải chúng ta yêu Đức Chúa Trời nhưng Ngài đã yêu chúng ta, đã sai Con Ngài đến làm của lễ chuộc tội chúng ta”. Đức Chúa Trời không cần chiếm tình cảm của một ai và Ngài cũng chẳng mắc nợ một ai cả. Chúng ta cũng chẳng xứng đáng để được Ngài yêu thương nhưng Ngài lại thương chúng ta, vì Ngài là tình yêu. God is Love. Vì Thượng Đế là Tình Yêu.

corazon_1hixr

2. MÓN QUÀ BAN TẶNG: HÀI NHI GIÊ-XU

Của cho nào đâu kém phần quan trọng. Món quà phản ánh trung thực ý hướng quan điểm của người cho. Vàng bạc bửu thạch giá trị cao nhưng làm sao sánh được với sự sống? Người Á đông quan niệm chết trên đống vàng nào có ích lợi chi. Sự sống quý giá vô cùng. Món quà sanh linh mà Thượng Đế đặc biệt khi tạo dựng nên con người đã nâng giá trị đặc biệt con người lên tuyệt đỉnh.

Sáng thế ký 2:7 “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi thì người trở nên một loài sanh linh”. Loài có linh hồn, muôn vật không có. Linh hồn quý hơn cả thế gian. Tân ước cho thấy sự quý trọng như sau: “Nếu một người được cả thiên hạ mất linh hồn có ích chi. Vậy người lấy chi mà đổi linh hồn mình lại.” Mat 16:26.

Chúng ta đánh giá món quà ở giá trị nầy: Mục đích cứu cánh của món quà mà Thánh kinh ghi rõ trong đêm Giáng sinh: “Vì Con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội” – Ma-thi-ơ 1:21. Tại sao phải cần đến sự sống? Vì sự sống mới cứu được sự chết. Quy luật bất di dịch của luật pháp đòi hỏi mắt đền mắt…răng đền răng đã nói lên vấn đề tương ứng. Ở đây Chúa Cứu Thế đã trả giá đắt cho sự sống đó là mạng sống của Ngài, món quà nầy quý giá vì: “Đến nỗi đã ban Con một của Ngài”, là Chúa của vũ trụ kiền khôn, Ngài có thể cho chúng ta của cải giàu sang nếu Ngài muốn…

Hand-holding-gift-001-702x336

Vì Ngài là Vua trên muôn Vua, Chúa trên muôn Chúa. Ngài có thể cho chúng ta uy quyền. Chính Chúa Giê-xu khi thi hành chức vụ trên đất Ngài đã ban uy quyền cho môn đệ Ngài. “Nầy ta ban quyền cho các ngươi giày đạp rắn bò cạp và mọi quyền của kẻ nghịch dưới chon không gì làm hại các ngươi được.” Lu-ca 10:19.

Tuy nhiên những điều ấy không thiết yếu bằng món quà ấy là Con một của Ngài. Vì yêu ta Thiên Chúa trở thành xác thịt. “Ngôi Lời trở nên xác thịt ở giữa chúng ta đầy ơn và lẽ thật. Chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài như Con một sống lòng cha vậy”– Giăng 1:14.

Món quà ấy trở thành vô giá, bởi vì chính nó trở thành sinh tế chuộc tội cho chúng ta. “Mọi việc đã được trọn rồi Ngài gục đầu và trút linh hồn– Giăng 19:30.

Chúa chết trên Thập tự giá là món quà cụ thể nhất, xuyên suốt từ Giáng sinh qua Thương khó, đến Sự chết, vì không đổ huyết thì không có sự tha thứ. Không có một Giáo chủ nào trên thế gian nầy trả giá sinh mạng của mình để đền tội cho tín hữu của họ. Chính sinh mạng của họ cũng có chỉ là một cá thể nhỏ nhoi, thì làm sao đền tội muôn triệu người trên đất mà Đức Chúa Trời đòi hỏi sự công bình thánh khiết của Ngài.

Chúa Cứu Thế đã chết thay cho tất cả mọi người, bởi vì Ngài là Đức Chúa Trời đã thành người. Mạng sống của Ngài giá trị hơn tất cả mạng sống của con người trên Thế giới cộng lại. Món quà ấy là Giê-xu Christ. Chính Ngài là món quà cho toàn thể nhân loại được thể hiện qua sự Giáng sinh làm người mà Kinh thánh đã ký thuật.

3. ĐỐI TƯỢNG ĐÓN NHẬN: TOÀN THỂ NHÂN LOẠI

Người Á đông tin rằng: Người cho, của cho quan trọng và cách cho lại càng quan trọng hơn. Nhưng ở đây xin nói thêm là người nhận cũng vô cùng quan trọng không kém vì miếng khi đói bằng gói khi no.

Ở đây Chúa Cứu Thế Ngài là món quà cho chúng Ta. Còn về phần người nhận quà là ai? Thái độ của người nhận quà ra sao? Món quà tặng không riêng cho một ai “Hầu cho hễ ai”. Ai cũng có quyền được nhận và món quà sẽ không thuộc về tôi…thuộc về Qúy vị nếu chúng ta không đưa tay ra đón nhận. Muốn nhận được món quà đó ta phải mở lòng mình ra tiếp nhận.

Purple heart in the hands

Bằng cách là “TIN” là phải “TIN”. Tin Ngài là thừa nhận lai lịch của Ngài, để Ngài chiếm hữu tấm lòng của chúng ta.
Món quà nầy chúng ta sử dụng không hết, không cạn vì đây là món quà lâu bền. “Không bị hư mất mà được sự sống đời đời” Giăng 3:16. Qùa cáp người khác ban cho chúng ta sử dụng đươc một thời gian, nếu không sử dụng sẽ hết hạn. Nhưng rồi phần lớn những món quà ấy bị hư cũ và đến lúc phải phế bỏ. Còn những món quà tồn tại lâu dài như bất động sản, đất đai v.v…thì chúng ta không đủ thì giờ để tận dụng và hưởng thụ nó. “Đêm nay linh hồn ngươi bị đòi lại thì của cải ngươi để cho ai?” Lu-ca 12:20.

Vua Minh Mạng có rất nhiều cung tần mỹ nữ…Có những cung phi chưa một lần ân ái gối chăn. Một hôm có một ái phi chết nhà Vua đem một thỏi vàng đặt trong tay nàng và nói: Trẫm không đủ thì giờ để sống cho nàng, đây là tình thương của ta cho nàng khi chết.

Cuộc sống con người trên đất quá ngắn ngủi: Một em bé mới chào đời đã trở thành một thiếu niên xinh đẹp như đóa hoa hồng chớm nở. Dưới ánh nắng rực rỡ buổi ban mai rồi đến tuổi thanh niên say sưa hướng về tương lai tươi đẹp, bận rộn trong giấc mơ xây dựng tương lai hạnh phúc, sự nghiệp…Rồi một ngày soi mình dưới tấm gương thấy mái tóc bắt đầu điểm sương, da mặt bắt đầu nhăn nheo… Báo hiệu tuổi về già sắp đến, thời gian vụt bay nhanh lắm quý vị ơi! Món quà Chúa Cứu Thế ban cho chúng ta thì khác hẵn, món quà ấy còn tồn tại vì ấy là sự sống đời đời. Ta có đủ thì giờ để sử dụng vì ta không bị hư mất – Giăng 3:16.

Các bạn thân mến! Có thể lắm ta luôn tự hào là ta đã theo Đạo 20-30 năm rồi, có thể ta là con của Mục sư, của Truyền đạo. Cũng có thể ta đã từng làm Ban Trị Sự, Chấp Sự, ta đã ở trong Giáo Hội nầy nhiều năm, thậm chí ta là con Đạo dòng. Ta đã từng hầu việc Chúa, mẫu mực, dâng hiến dồi dào nhưng rồi ta đánh mất một điều mà ta không từng biết đó là: Ta đang nghèo ngặt đui mù và lõa lồ mà ta đâu có thấy. Ta dự lễ Giáng sinh mà lòng ta không có Chúa.

Kinh Thánh đã cảnh báo: “Chẳng phải kẻ nói lạy Chúa lạy Chúa mà vào nước Thiên đàng cả đâu, nhưng kẻ nghe và làm theo lời Đức Chúa Trời”. Ngày xưa khi Chúa Giáng sinh thì nhà quán đã chứa đầy đủ khách lạ nhưng không có chỗ cho Ngài. Một Giô-sép Ma-ri nghèo nàn làm sao được ở trong nhà êm ấm, chúng ta đã từng là Chủ quán. Chủ ngai lòng mình không cho Chúa chiếm hữu ngự trị…

Nhưng tạ ơn Chúa! Trong đêm Giáng sinh năm xưa, bọn chăn chiên nghèo hèn đã tìm đến theo lời Thiên sứ, rồi họ được sự vui mừng khi ra về và làm sáng danh Chúa. Các Bác sĩ là những nhà bác học uyên thâm quyền thế trong Vương triều, ấy thế mà họ khiêm nhu hạ mình, lần bước theo ngôi sao dẫn đường, vượt muôn dặm đường xa, tìm đến thờ lạy Ấu Chúa.

article-1338840-0C564E5B000005DC-893_306x423

Họ còn dâng cho Ngài những của lễ quý giá đó là vàng, nhũ hương và một dược… Ngày nay chúng ta đón Chúa Giáng sinh ở đâu? Ngài đang đứng ngoài cửa lòng chúng ta mà gõ. Chúng ta có sẵn sàng mở cửa lòng mình để đón Chúa bước vào hay chưa? Hay là chúng ta cũng nói như Chủ quán ngày xưa, quán tôi không còn chỗ cho Ngài đâu!

Chúng ta kỷ niệm sự Giáng sinh của Ngài không phải trên lễ nghi của Giáo hội, kỷ niệm như một dữ kiện. Chúng ta không kỷ niệm trong một thời điểm Giáng sinh của thời gian chóng qua, chóng tàn mà chúng ta phải đối diện với Đấng Em-ma-nu-ên.

Ngài đang ở đâu? Ngài có ở với chúng ta chưa?

Chúng ta phải lấy tấm lòng khiêm nhu cung kính mở ra để đón hài nhi Giê-xu vào lòng. Ngài bước vào đời sống chúng ta, Ngài làm Chúa làm chủ, Ngài biến cải cuộc đời của một chúng ta. Đời sống chúng ta là một bài ca vui mừng, là niềm vui bất tận mới phản ảnh hai chữ Phúc âm – Tin Lành (Tin vui mừng).

Nếu không thì làm sao biến Thế giới bất an, đau thương nầy trở thành Thế giới của tình yêu và hạnh phúc, biến khổ đau thành nguồn sống vui tươi phước hạnh được. Chúng ta phải kinh nghiệm một cách riêng tư với Đấng Cứu Thế Giê-xu: “Vì Tin Lành là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin”. Kỷ niệm sự Giáng sinh của Ngài, chúng ta không nên quên rằng: Đính kèm theo một mạng lệnh Chúa giao: “Hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Lành cho mọi người”. Tin Lành Mác 16:15.

Vì Tin Lành nầy dành cho muôn dân, chứ không chỉ cho riêng một nhóm người,… Kỷ niệm sự Giáng sinh không chỉ trao và tặng quà cho nhau trong mấy ngày ngắn ngủi chóng qua, mà ta phải sống trong tình yêu của Thiên Chúa. Bằng cách tấm lòng rộng mở, tuôn tràn, ban cho rời rộng hơn là chờ đợi sự nhận lãnh.

Nguyện mỗi người con của Chúa hưởng được hạnh phúc của Lễ Giáng sinh khi đưa tâm hồn mình về vùng đất Thánh Bê-lem để chiêm ngưỡng Đức Chúa Trời thành người. Sau đó đến đồi Sọ Gô-gô-tha để thờ phượng Chúa Cứu Thế dưới chân Thập tự giá rồi hát khúc khải hoàn ca bên ngôi mộ trống của Ngài… Và cuối cùng ngước mắt lên để tiễn Ngài lên Trời và cũng từ đó trông chờ Ngài trở lại.

Phải! Chúa Giê-xu sẽ trở lại, không còn là một em bé nằm trong máng cỏ mà Ngài trở lại với đại quyền đại vinh cởi trên mây trời mà đến. Ngài sẽ tiếp rước vợ hứa của Ngài lên không trung mà dự tiệc cưới Chiên con được bắt đầu… Mong Chúa mau đến…

TÔI MUỐN TIN CHÚA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *